Pháp luật

Phiên xét xử nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh bị hoãn do luật sư dương tính với SARS-CoV-2

DNVN - Phiên tòa xét xử bị cáo Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, cùng 16 bị cáo khác gây thiệt hại ngân sách nhà nước gần 70 tỷ đồng đã phải tạm hoãn do một luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Trà Vinh: Bắt 3 đối tượng lợi dụng xe “luồng xanh” để vận chuyển ma túy / Trà Vinh: Xử lý 2 trường hợp đăng thông tin xúc phạm lực lượng phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 22/11, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã tạm hoãn phiên tòa xét xử đối với bị cáo Diệp Văn Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh cùng 16 bị cáo khác. Do trước khi phiên tòa được mở lại vào sáng nay, Hội đồng xét xử nhận được tin báo từ luật sư bào chữa cho một bị cáo trong vụ án này đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thời gian xét xử lại sẽ được thông báo sau.

Được biết, vào tối 21/11, luật sư này từ TP Hồ Chí Minh quay lại Trà Vinh và lưu trú tại khách sạn, chờ dự phiên tòa vào sáng 22/11. Và người này đã tự test nhanh cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nên đã không đến dự phiên tòa mà đã thông báo sự việc cho Hội đồng xét xử rồi tự quay về TP Hồ Chí Minh.

Từ ngày 19/11 cho đến lúc phát hiện dương tính, luật sư này đã có 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, vào sáng 19/11, Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án của nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh cùng 16 bị cáo khác về hành vi gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/11.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/11.

Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 8/2018, Diệp Văn Thạnh với vai trò người đứng đầu chính quyền tại TP Trà Vinh đã cùng Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP) chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở theo Quyết định 118 của Thủ tướng và Thông tư 30 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, việc xem xét để hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn nơi người đó cư trú. Những kiến nghị đó phải được UBND cấp quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh xác minh lại trước khi trình lên UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định. Bên cạnh đó, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất phải có biên bản xác minh thực địa và biên bản giao đất trên thực địa.

Tuy nhiên Thạnh đã bỏ qua các quy định trên và ký ban hành 2 công văn yêu cầu bỏ qua nội dung kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn và xác minh lại của UBND cấp huyện. Từ đó tạo điều kiện cho “cò đất” tìm đến gia đình chính sách để làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho đất khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải là đất ở thành đất ở để được miễn, giảm tiền sử dụng đất từ 65% đến 100%.

Sau khi hợp thức hóa chuyển mục đích sử dụng đất xong, “cò đất” tiếp tục lập hợp đồng chuyển nhượng đất không thật trở lại cho chủ đất cũ hoặc chuyển sang người khác đứng tên nhằm miễn đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Cơ quan điều tra đã xác định trong thời gian trên, bị cáo Thạnh, Sơn đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất 704 hồ sơ, với số tiền miễn, giảm gần 120 tỷ đồng. Trong đó có 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 69,3 tỷ đồng.

Kim Cương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm