Pháp luật

Thứ trưởng Bộ Công an: Vấn nạn SIM 'rác' khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn

DNVN - Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, qua rà soát, các kênh bán SIM không chính chủ qua đại lý, các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, dễ dàng tiếp cận mua với số lượng lớn khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Tội phạm mạng đang lợi dụng triệt để công nghệ mới để lừa đảo

Tại hội thảo phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức ngày 13/5, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch NCA thông tin, thực tế cho thấy, hành vi lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tổ chức, cá nhân.

Năm 2023, hoạt động lừa đảo trên mạng đã gây thiệt hại là 1.026 tỉ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.Trong đó tại Việt Nam, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó có 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an.

Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài đã lừa đảo, lôi kéo người Việt Nam ra nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội.

Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để các công nghệ mới, trong đó có AI (trí tuệ nhân tạo). Do đó, hành vi lừa đảo trên không gian mạng của tội phạm trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tổ chức, cá nhân.

Ví dụ, tội phạm mạng sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí cả trẻ em (dễ bị lợi dụng sự cả tin, lòng tham để thực hiện hành vi lừa đảo).

Dù đã có nhiều kết quả tích cực tuy nhiên công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang chỉ ra một số yếu tố như hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng internet dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em trong khi 1/3 người dùng internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Bên cạnh đó, quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.

Nhức nhối vấn nạn SIM “rác”

Một vấn đề nhức nhối còn tồn tại được Thượng tướng Lương Tam Quang thông tin tại hội thảo đó là tình trạng SIM “rác", mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Qua rà soát, các kênh bán SIM không chính chủ qua đại lý, các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, dễ dàng tiếp cận mua với số lượng lớn; các kênh chợ đen, Facebook, Telegram, Twitter... buôn bán hàng ngàn tài khoản ngân hàng với giá thấp, dễ tiếp cận từ 200.000 đồng.

Thượng tướng Lương Tam Quangnhấn mạnh: "Những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đặt ra yêu cầu cấp thiết trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp tháo gỡ triệt để trong thời gian tới".

Sự kiện quy tụ hàng trăm chuyên gia an ninh mạng.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho hay, trong năm 2023, theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đã phát hiện hơn 3.500 vụ việc, tổng số thiệt hại lên tới hơn 2.487 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào các hình thức lừa đảo: tuyển dụng cộng tác viên tham gia kinh doanh buôn bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (chiếm 44,7%); các mã độc tấn công người dùng Việt, sử dụng mạng xã hội để lừa đảo (chiếm 17,3%); gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, viện kiểm sát, tòa án nhân dân, nhân viên ngân hàng… (chiếm 11,6%); giả danh các sàn giao dịch tài chính, chứng khoán (chiếm 13,2%)…

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chỉ đạo lực lượng an ninh mạng phòng chống tội phạm công nghệ cao trên toàn quốc triển khai đồng bộ phương tiện, nghiệp vụ, tiến hành rà soát các đối tượng, mục tiêu nghi vấn, các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để đấu tranh xử lý. Trong năm 2023, các đơn vị đã đấu tranh, khởi tố hơn 1500 vụ án, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, răn đe, trấn áp các loại tội phạm trên không gian mạng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tham mưu triển khai các biện pháp rà soát, định danh xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm hạn chế tình trạng SIM "rác", tài khoản ngân hàng 'rác', áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học đối với những giao dịch, chuyển tiền ngân hàng… nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch chuyển dòng tiền vi phạm pháp luật.

Viettel, FPT, CMC và VNPT chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác

Cũng trong quý 1/2024 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 7 cuộc thanh tra hành chính về việc chấp hành quy định chống cuộc gọi rác với các doanh nghiệp viễn thông. Theo kết luận kiểm tra, Viettel, FPT, CMC và VNPT chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi rác đến Danh sách không quảng cáo.

4 doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xác định thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, vận hành hệ thống kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Viettel chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo. Trong thời gian kiểm tra, có 1.165 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 921 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo, vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14-8-2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

CMC Telecom đã để 63.390 cuộc gọi quảng cáo đến 41.917 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo.

FPT Telecom chưa thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo, để 526.159 cuộc gọi quảng cáo đến 137.125 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận quảng cáo. Trong thời gian kiểm tra, FPT Telecom chưa thực hiện đầy đủ việc thống kê, cập nhật số liệu cuộc gọi rác theo quy định.

Về vi phạm của VNPT, có 1.239 cuộc gọi sử dụng tên định danh gọi đến 626 thuê bao đã đăng ký trong danh sách không quảng cáo. Theo giải trình của VNPT, việc để xảy ra tình trạng trên là do hạn chế về mặt công nghệ, trong khi phương thức phát tán cuộc gọi rác thay đổi liên tục khiến hệ thống bị quá tải.

Với các hành vi vi phạm nêu trên, Viettel, CMC Telecom và FPT Telecom cùng bị đề nghị xử phạt hành chính mỗi đơn vị 140 triệu đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng đối với các thuê bao vi phạm.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm, đồng thời có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng xem xét có hình thức kỷ luật.


Hiệp Đức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo