Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt 5 năm tù
Tráo xe Wave lấy SH đem bán, bị tuyên phạt 5 năm tù / Nghệ An: Ngụy trang 10kg ma túy trong hộp sữa, 2 người lĩnh án tử
Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại xâm hại đến chế độ quản lý Nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm tù.
Lợi dụng việc mang thai hộ để hưởng lợi kinh tế
Ngày 2/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng để điều tra về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Theo đó, 5 đối tượng bị khởi tố gồm: Cai Guo Lin (sinh năm 1982), Cai Guo Fang (sinh năm 1965, cùng quốc tịch Trung Quốc); Hoàng Thị Thu Trang (sinh năm 1992, quê Đắk Lắk); Triệu Thị Hằng (sinh năm 1978, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Mai Anh (sinh năm 1995, quê Nam Định).
Các đối tượng ngang nhiên lập trang Facebook để tuyển người mang thai hộ.
Theo điều tra của công an và khai nhận của 2 đối tượng Cai Guo Lin, Cai Guo Fang, 2 đối tượng này chỉ làm thuê cho “ông trùm” tên Cai Guo Yong (quốc tịch Trung Quốc, chưa rõ lai lịch).
Đầu tháng 9/2018, theo sự chỉ đạo của “ông trùm” Yong, 2 đối tượng Cai Guo Lin và Cai Guo Fang sang Việt Nam để tìm những người phụ nữ Việt Nam có nhu cầu mang thai hộ.
Do đã từng làm kỹ thuật viên tại phòng khám Thiên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nên Lin có quen biết và nhờ Hoàng Thị Thu Trang (là y tá tại phòng khám Thiên Hòa) tìm giúp.
Sau đó Trang đến cổng bệnh viện Phụ sản Trung ương (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) tìm gặp Triệu Thị Hằng (là người bán báo dạo trước cổng bệnh) nhờ tìm người mang thai hộ.
Khoảng tháng 11/2018, Triệu Thị Hằng gặp Nguyễn Thị Mai Anh nhờ người này kiếm người mang thai hộ và sẽ trả phí môi giới cho Mai Anh. Mai Anh sau đó đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook với tên “Hiến trứng và mang thai hộ”.
Thông qua trang facebook này, Mai Anh đã tìm được 6 người phụ nữ đồng ý mang thai hộ và giới thiệu cho Hằng. Với mỗi phi vụ môi giới thành công, các đối tượng người Trung Quốc sẽ trả công cho Trang, Hằng, Anh mỗi người 5 – 10 triệu đồng.
Theo một kiểm sát viên tại TPHCM, luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là quy định mang tính nhân văn cao khi đã tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ. Luật Hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại. Việc mang thai hộ phải được tuân thủ chặt chẽ quy định tại các điều Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng việc mang thai hộ để hưởng lợi về kinh tế, trái mục đích mà Nhà nước hướng tới khi cho phép mang thai hộ.
Tất cả vì mục đích thương mại
Luật sư Trần Quốc Hưng (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại xâm hại đến chế độ quản lý Nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ trong trường hợp vợ chồng gặp khó khăn về vấn đề sinh sản. Hành vi tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại.
“Người phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định. Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, vì thế ngoài thỏa mãn các quy định về chủ thể vừa quy định trên thì chủ thể của tội này là chỉ về một người hay một nhóm người tổ chức chứ không phải là chỉ về chủ thể mang thai hộ. Nghĩa là người phạm tội này là người đứng ra tổ chức cho việc mang thai hộ diễn ra để thu lợi, chứ không phải là các bên có nhu cầu mang thai”, luật sư Hưng cho biết thêm.
“Để ngăn chặn việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, tại Bộ luật hình sự 2015 đã quy định việc xử lý hình sự đối với hành vi này. Theo quy định tại khoản 1 điều 187 Bộ luật hình sự: người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm khi thuộc một trong các trường hợp: đối với 2 người trở lên, phạm tội 2 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”, luật sư Hưng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo