Pháp luật

Ước mong ngày trở về của người đàn bà từng lĩnh án chung thân

Ba lần sinh con thì hai lần ôm con vào tù, thế nhưng Vũ Thị Thúy, (SN 1975, ở Thái Thụy, Thái Bình), vẫn là kẻ trắng tay kể từ khi những đứa con ấy được bố chúng đón về. Kể từ ngày trao con gái 3 tuổi cho chồng, Thúy không hề nhận được bất cứ thông tin gì về gia đình. Thậm chí muốn gọi điện về cho các con cũng không được.

Nhận diện tội phạm: Bố giết, hiếp dâm con gái ruột / Quảng Ninh: Bắt giam đối tượng người Trung Quốc được thuê sang Việt Nam rút tiền do lừa đảo mà có

Hai lần ôm con nhỏ vào tù

Trắng trẻo, đôi mắt to buồn thăm thẳm, Thúy vừa nói được vài câu đã ầng ậc nước mắt. Cô bảo mau nước mắt từ ngày còn là con gái, út ít nhất nhà nên được mọi người chiều chuộng, đâu ngờ lớn lên cuộc đời lại lắm đa đoan.

Sinh ra trong 1 gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp, Thúy cũng giống như hai chị gái, 18 tuổi đi lấy chồng, để rồi sớm tối chỉ biết chúi đầu vào cám bã, lợn gà. Sóng gió cuộc đời bắt đầu xảy ra với Thúy khi cô bước vào cuộc hôn nhân đầu tiên mới được 3 năm.

Phạm nhân Vũ Thị Thúy.

Phạm nhân Vũ Thị Thúy.

Do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và cả những rạn nứt trong quan hệ vợ chồng không thể hóa giải, Thúy đành chấp nhận ra tòa ly hôn. Không được quyền nuôi con trai, Thúy gạt nước mắt quay về nhà bố mẹ. Năm 2001, cô khỏa lấp nỗi buồn chán của mình bằng cuộc hôn nhân thứ hai với người chồng ngoại tỉnh. Thúy bảo, ở với người chồng này hợp tính tình nhau hơn nhưng lại nghèo.

Cuộc sống khó khăn nên dù ở cách xa cha mẹ không bao xa, nhưng cả năm cô mới về thăm gia đình được một lần. Chồng lao động tự do, ai thuê gì làm nấy, vợ chỉ biết cấy cày, lại làm dâu nơi khác, thành ra cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Năm 2002, Thúy sinh con gái. Vợ chồng chưa kịp làm lễ thôi nôi cho con thì chồng cô bị tai nạn lao động.

Để có tiền thuốc thang cho chồng những ngày nằm viện điều trị, Thúy chạy khắp nơi vay mượn. Đứa con nhỏ quấy khóc vì khát sữa. Trong lúc bí bách, Thúy được một thanh niên rỉ tai và thế là, những ngày ở bệnh viện chăm chồng ốm, Thúy lại tranh thủ ra cổng bệnh viện nhận heroin từ người thanh niên lạ rồi bán lẻ cho các con nghiện.

Được một thời gian ngắn thì việc làm phi pháp của Thúy bị phát hiện. Với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, Thúy bị kết án 9 năm tù. Tuy nhiên, do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cô được hoãn thi hành án.

Đưa chồng xuất viện về nhà, Thúy trở thành trụ cột trong gia đình. Con gái được giao cho mẹ chồng chăm sóc, Thúy theo một người chị họ đi buôn hàng nông sản, thu gom gạo ngô, khoai sắn từ Hòa Bình rồi mang về xuôi bán cho các đại lý, các sạp hàng ở các chợ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Thúy được giao nhiệm vụ áp tải hàng về Hưng Yên, sau đó đưa đi các chợ và thu tiền hàng. Chồng Thúy lúc này vết thương cũng khỏi, đã bắt đầu nhúc nhắc đi làm. Cuộc sống gia đình vì thế cũng dễ thở hơn trước. Đúng lúc này, Thúy lại phạm tội.

 

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 11h ngày 16-11-2004, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) bắt quả tang Vũ Thị Thúy đang trên đường vận chuyển 1 bánh heroin. Số ma túy này Thúy khai được một thanh niên thuê vận chuyển từ Ba La (Hà Tây cũ) về bến đò Phong Trù, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) với tiền công là 2 triệu đồng.

Bản án 9 năm tù chưa thi hành, giờ lại thêm tội vận chuyển 1 bánh heroin. Với cả hai lần phạm tội, Thúy bị TAND thành phố Hà Nội tuyên án phạt chung thân. Đầu năm 2005, Thúy về Trại giam số 5 thi hành án, đem theo đứa con gái thứ hai được sinh ra trong trại tạm giam.

"Tôi đã từng rất sợ khi cầm tép heoroin bán cho con nghiện, nhưng rồi tôi đã tặc lưỡi vì nghĩ, giữa cái đói và cái sợ thì cái nào đáng phải lo nghĩ hơn. Nhưng bị bắt lần thứ hai khi cuộc sống gia đình bắt đầu ổn định thì không thể lấy lý do gì thanh minh được", Thúy bộc bạch. Cô cho biết thời gian tạm giam để điều tra, cô đã rất khủng hoảng tinh thần khi nghe cán bộ cho biết đã mang thai đứa con thứ hai.

Ngày mới vào Trại giam số 5 cải tạo, vài tháng, con gái Thúy lại được người thân đưa lên cho mẹ con gặp nhau. Nhưng từ khi cô gửi đứa con thứ hai về, dễ đến chục năm nay chẳng có ai tới thăm cô nữa. Thúy bảo duy nhất có một lần chồng cô lên thăm vợ cũng là lần lên đón con gái nhỏ tròn 36 tháng tuổi.

Lần đó, Thúy được gặp cả con gái lớn, ba mẹ con mừng mừng, tủi tủi rồi bịn rịn chia tay. Sau lần đó, chồng Thúy đã không một lần quay lại. Hai chị gái Thúy, người mất vì bạo bệnh, người còn lại cũng đang phải giành giật sự sống với bệnh tật nên không ai tới thăm cô.

 

"Khoảng 5 năm trước, các chị ấy không lên được thì gửi tiền lưu ký cho tôi, nhưng giờ thì tuyệt nhiên chẳng còn ai nghĩ đến tôi nữa. Tôi sống như không tồn tại trong suy nghĩ của người thân", Thúy kể.

Theo lời Thúy, khoảng 5 năm trước, cô đã rất nhiều lần gọi điện thoại về cho gia đình, nhưng chỉ có mẹ chồng nghe máy. Bà cho biết hai con gái của Thúy đã được gửi cho người cô ruột nuôi và chúng không muốn nghe nhắc đến người mẹ như Thúy nữa. Chồng Thúy thì đã lấy vợ rồi và mong muốn Thúy đừng gọi điện thoại về làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

"Án của tôi rất dài nên tôi cũng xác định được rằng chồng sẽ không thể ở vậy nuôi con. Điều tôi mong mỏi chỉ là được biết tin về các con để biết chúng sống thế nào thôi. Khi tôi nghe được câu chúng chỉ biết có mẹ Hường (tức cô ruột) mà không có mẹ Thúy, tôi đã rất đau lòng. Tôi không ngờ mình đã mất tất cả", Thúy nức nở.

Nước mắt và những lần bị nhắc nhở

Thúy nhập trại chưa được bao lâu thì bố mẹ lần lượt qua đời. Thế nên với Thúy chỉ có hai đứa con gái là động lực, là sợi dây níu kéo cô ở lại với đời. Thúy tâm sự rằng cô rất nhớ con, muốn được nghe tiếng nói của chúng nhưng nhiều năm nay, niềm mong mỏi ấy đã bị phía nhà chồng ngăn cản.

 

"Thúy chin-su là người phụ nữ bất hạnh. Cô ấy có chồng, có con nhưng cuối cùng lại chẳng có gì. Những lúc đi lao động về qua nhà trẻ, Thúy đứng lại một hồi lâu, mắt nhìn như dán vào bọn trẻ con. Tội nhất là có lúc nhớ con quá, Thúy nói năng lảm nhảm như thể đầu óc có vấn đề", một phạm nhân cùng buồng với Thúy cho biết.

Các phạm nhân nữ ở Trạm giam số 5 trong giờ lao động tại xưởng may.

Theo lời người này thì từ khi con gái được gửi về nhà, Thúy rất hay kiếm cớ đi qua nhà trẻ để nhìn ngắm những đứa trẻ, con của các phạm nhân khác. Những khi ấy, Thúy lột xác thành người khác hẳn. Cô sà vào hôn hít bọn trẻ, bế chúng lên cười nói rồi buông những câu nựng dễ thương.

Thế nhưng khi bị chuyển về đội may mặc, lối đi lao động không còn qua nhà trẻ thì Thúy nổi khùng lên. Cô đã khiến mọi người ngạc nhiên vì không hiểu lý do gì mà khóc vật vã chỉ vì chuyển đội lao động. Sau khi chuyển đội, Thúy liên tục vi phạm và trở thành người thường xuyên bị cán bộ gọi lên nhắc nhở.

Nhớ lại những lần đó, Thúy bảo chỉ vì nhớ con quá nên nhiều lúc cô không kiềm chế được bản thân, có những lời nói thiếu kiểm soát, thậm chí có những hành động bất cần, phá phách. Mặc dù lao động ở đội may mặc, công việc nhẹ nhàng nhưng chưa lần nào Thúy hoàn thành định mức được giao.

Chính vì thế mà cô là đối tượng thường xuyên được cán bộ gọi lên nhắc nhở. Nói về việc này, Thúy bảo ngày đó do cô không tập trung làm việc, trong lúc làm cứ nghĩ ngợi lung tung chứ chuyện học may chỉ một tháng là cô đã làm thành thạo.

 

Để giúp phạm nhân này yên tâm cải tạo, cán bộ trại đã kéo Thúy vào các hoạt động của trại như tham gia làm trong tổ tự quản, đóng góp các tiết mục văn nghệ, hài tấu,…. Các phạm nhân cùng buồng cũng được giao việc thường xuyên tiếp xúc, động viên khuyên nhủ và chia sẻ với Thúy những phần quà gia đình thăm nuôi,…

Thời gian gần đây, Thúy còn được phân công nằm cạnh một phạm nhân nuôi con nhỏ. Tiếng bi bô của đứa trẻ đã khiến Thúy vợi bớt những sầu muộn. Cô chăm chút cho đứa trẻ như thể đấy là con mình, thậm chí còn giành phần ru bé ngủ. Nghe tiếng Thúy hát, dù là rất nhỏ thôi song cũng đủ để mọi người hiểu rằng Thúy đang dần trở lại với con người thật của mình.

"Những lúc nhớ nhà, nhớ con, tôi lại nhớ lời cán bộ Trang. Chị ấy bảo tôi rằng phải biết chọn cho mình một con đường, một lối đi ngắn nhất để về với gia đình. Lối đi ngắn nhất chính là cải tạo tốt. Nếu thế thì tôi phải yên tâm cải tạo, phải tìm thấy sự bình thản để mà sống", Thúy kể.

Sau 15 năm cải tạo, niềm vui nhất của Thúy chính là được xuống án có thời hạn. Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui vừa được xuống án có thời hạn, Thúy không giấu nổi trăn trở: "Tôi vừa được giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn là 30 năm. Nếu tích cực cải tạo và năm nào cũng được giảm án thì cũng phải gần chục năm nữa mới mãn hạn. Dự tính gì thì vẫn còn xa lắm, chỉ mong giữ gìn sức khỏe đến ngày về thôi".

Theo Vân Nga/cstc.cand
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm