Pháp luật

Phát hiện gần 8 tấn bột ngọt giả mang các thương hiệu có uy tín

Ngày 8/6, Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đã làm rõ vụ 7,8 tấn bột ngọt giả mang các thương hiệu nổi tiếng.

(Dân Trí) Từ lời khai các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ hàng giả, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra, bước đầu làm rõ: Trần Thị Mỹ Hương (SN 1972, trú tại 2/14/96 đường Đặng Thái Thân, TP Huế, nghề nghiệp buôn bán chợ Đông Ba) là người trực tiếp cung cấp số bột ngọt có nguồn gốc của Trung Quốc và các bao bì làm giả nhãn hiệu Ajnomoto, Miwon, A-one, Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd … cho Lê Quý Hiệp, Lê Thị Lan, Nguyễn Thị Ánh Minh… để thực hiện hành vi sản xuất hàng giả. 

 
Đối tượng Trần Thị Mỹ Hương đã thừa nhận việc cung cấp bột ngọt Trung Quốc và các bao bì giả các nhãn hiệu.
 
Sau nhiều ngày tập trung điều tra, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ 8 tạ bột ngọt các loại, 15.400 mẫu vỏ bao bì, 140 bao tải bột ngọt Trung Quốc loại 25kg, 2 cân đĩa, 2 máy ép bao ni lông. 

Bột ngọt từ Trung Quốc được Hương cung cấp cho các đại lý cấp dưới chia vào các bao giả thương hiệu bột ngọt hãng nổi tiếng.
 
Theo khai nhận của các đối tượng, bột ngọt Trung Quốc được các đối tượng đóng gói vào bao bì mang các nhãn hiệu lớn với loại có trọng lượng 0,5 kg và 1 kg.

Sau hơn 3 tháng thực hiện hành vi sản xuất hàng giả: các đối tượng đã sản xuất 7- 8 tấn bột ngọt và trung bình mỗi ngày tiêu thụ hết gần 2 tạ bột ngọt giả, tiếp đó đưa đi tiêu thụ trên địa bàn TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện A Lưới, Phong Điền, tỉnh Quảng Trị. 
 
Đặc biệt, theo thông tin bước đầu của cơ quan điều tra Công an TP Huế: Sau khi sản xuất ra hàng giả, các đối tượng còn có thủ đoạn đưa lên cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) rồi nhập trở lại địa bàn TP Huế và các huyện lân cận để đánh lừa khách hàng, nhất là bột ngọt mang nhãn hiệu Thai Fermenttiom Ind.Co;Ltd.
 
 
Đại Dương - Trần Hồng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo