Phát hiện nhiều cá cóc sần đặc biệt quý tại Phú Thọ
Một nhóm cá thể cá cóc sần đặc biệt quý hiếm đang sinh sống ở độ cao 700m so với mực nước biển đã được phát hiện ngày 6/8 tại khu vực rừng nguyên sinh núi Hem nằm trên địa bàn của xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
(TTXVN) Ông Trần Đăng Lâu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là lần thứ 2 phát hiện giống cá cóc sần tại huyện miền núi Thanh Sơn. Vì mới được phát hiện nên chưa khẳng định loại cá cóc sần này có giống loại cá cóc sần lần trước phát hiện ở Vườn quốc gia Xuân Sơn hay không, nhưng so sánh một số chi tiết ở loại cá cóc sần phát hiện tại Vườn quốc gia Xuân Sơn thì loại cá cóc phát hiện lần này có giống nhau.
Loài cá cóc này có điểm đặc trưng là da được bao phủ bởi các nốt sần nhỏ và có hình dạng giống thằn lằn, dài khoảng 5-7cm, đầu rộng, tuyến mang tai gồ cao, phình rộng, hơi xiên về phía sau, gờ giữa sống lưng gồ cao, u gáy lồi khá lớn chạy dọc hai bên sườn từ phía sau chi trước đến gốc đuôi. Phía dưới bụng có những nếp nhăn chạy ngang. Chi trước có 4 ngón, không có màng bơi. Chi sau có 5 ngón, có màng bơi ở phần sát gốc bàn chân. Đuôi dẹp theo chiều thẳng đứng, mút đuôi nhọn. Lưng và bụng có màu nâu sẫm. Mép bàn chân, bàn tay, mép bụng và riềm dưới đuôi có màu đỏ gạch.
Theo ông Trần Đăng Lâu, đây là loài cá cóc sần đặc biệt quý hiếm, thuộc nhóm A nằm trong Sách đỏ cần bảo vệ của Việt Nam và thế giới. Đây chính là loài cá đã giúp các nhà khoa học tìm ra nguyên lý tế bào gốc được áp dụng rất hiệu quả trong y học.
Trước đó, năm 2003 huyện Thanh Sơn đã phát hiện cá thể cá cóc sần tại núi Ten thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, nằm cách núi Hem khoảng 30km./.
Huyền Trang
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo