Phát hiện vụ chuyển giá trắng trợn hơn Keangnam
Một dây chuyền máy móc cũ kỹ có giá thực chỉ 400.000 USD, công ty Hualon Corporation đưa vào Việt Nam nâng khống lên tận 40 lần thành 16 triệu USD. Chiêu chuyển giá này còn trắng trợn hơn cả phi vụ chuyển giá ngàn tỷ của Keangnam Vina.
Công ty Hualon Corporation, vốn 100% vốn từ Malaysia, Đài Loan-British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại Khu Công Nghiệp Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) chuyên về sản xuất sợi và dệt vải.
Báo cáo cơ quan thuế, doanh nghiệp này khai rằng, đã nhập khẩu 1 bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá gần 16 triệu USD.
Tuy nhiên, sau đó, bộ dây chuyền dệt vải này lại được bán cho 1 công ty khác nhưng với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD.
Theo lý giải ban đầu, do không có nhu cầu sử dụng nên công ty thanh lý tài sản, đương nhiên, giá thanh lý luôn luôn rẻ.
Động thái này dường như đi ngược lại bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp thông thường, hiếm khi dễ dàng mua cao rồi mau chóng chấp nhận bán lại với giá thấp.
Được biết, dây chuyền sản xuất máy dệt này đã rất lạc hậu, tại nước ngoài đã thuộc diện phải thải bỏ, không thể sử dụng. Nhưng thay vì nên tiêu hủy, công ty Hualon lại "rước" về Việt Nam để ... nâng cao năng lực sản xuất. Thực tế, khi nhập về, dây chuyền dệt này cũng chỉ xếp xó, công ty không sử dụng.
Tại thời điểm thanh tra, công ty Hualon vẫn còn một số máy móc tương tự, cũ kỹ, lạc hậu, nhập về giá đắt và nếu áp dụng chiêu bài thanh lý giá rẻ thì số gây lỗ ảo còn lớn hơn.
Cùng với việc chuyển giá từ mua nguyên liệu ở công ty liên kết nước ngoài, tổng giá vốn đã được Hualon nâng không lên tới 1.156 tỷ đồng, chỉ thua ông lớn Keangnam Vina (vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh 1.220 tỷ đồng) vài chục tỷ.
Nhờ phi vụ nâng khống đầu vào như vậy, Hualon đã qua mặt ngành thuế để báo số lỗ lũy kế "ảo" lên tới 956,2 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu thực tế của công ty tăng thêm 0,8 tỷ đồng. Kết quả, công ty Hualon có lãi lớn và tổng số thuế thu nhập bị truy thu lên tới 78,1 tỷ đồng.
Với giấy phép đầu tư được cấp ngày 30/12/1993, công ty thuộc thế hệ FDI đầu tiên vào Việt Nam. Điều kỳ lạ là liên tục gần 20 năm, Hualon liên tục báo lỗ.
Lỗ vẫn mở rộng sản xuất liên tục. Truy cập vào trang web tự giới thiệu, Hualon cho biết, năm 1995, đã thành lập xưởng Knitting với 112 máy dệt kim, năm 1996, thành lập xưởng Draw Textured Yan với 124 máy kéo, đến năm 1997, mở tiếp xưởng Two For One với 134 máy và mở xưởng Weaving với 3.190 khung dệt nước.
Đến năm 2000, công ty mở tiếp xưởng Dyeing với 22 máy nhuộm. Đến nay, công ty này tạo việc làm cho 3.000 lao động.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo