Phạt ngân hàng nếu để ATM hết tiền
Phạt 10-15 triệu đồng nếu máy ATM không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng.
Nghị định 96/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (NH) quy định, từ ngày 12-12, NH nào để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, có xử phạt nghĩa là phải có khâu kiểm tra, xác minh nguyên nhân máy ATM hết tiền. Vì thế NH Nhà nước (NN) và các NH thương mại phải sẵn sàng lường trước khó khăn trước mắt.
Cạnh tranh dịch vụ
ông Đặng Quốc Tiến, nguyên Phó Tổng Giám đốc NH Thương mại CP Quân đội (MB), cho rằng để các máy ATM không bị hết tiền không khó, nhất là hiện nay việc thanh khoản ở các NH rất dồi dào, trang thiết bị công nghệ ngày càng được nâng cấp và chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Ông Rahn Wood, Giám đốc khối bán lẻ NH Quốc tế (VIB), cho biết VIB có hệ thống theo dõi và giám sát hoạt động của mạng lưới ATM, cập nhật liên tục lượng tiền trên từng máy ATM. Khi máy ATM bị sự cố và lượng tiền còn ít thì máy sẽ tự động báo về bộ phận giám sát. Bộ phận này phải thay nhau theo dõi hệ thống 24/24 giờ, đảm bảo xử lý kịp thời khi có phát sinh.
Ông Tiến giải thích các NH có ba vấn đề quan tâm để đảm bảo ATM không hết tiền. Về mặt tổ chức, NH luôn luôn phải có đội tiếp quỹ, kiểm quỹ, thay quỹ ATM; hệ thống công nghệ thông tin theo dõi thường trực để biết được tài khoản của từng máy còn bao nhiêu tiền và dự đoán khả năng bao lâu thì hết tiền; sự liên kết giữa các NH với nhau để sẵn sàng cho khách hàng rút tiền khi có nhu cầu.
Có ý kiến cho rằng số tiền phạt 10-15 triệu đồng nếu NH để trụ ATM hết tiền là quá nhẹ, e rằng sẽ vẫn không tránh khỏi tình trạng hết tiền, lỗi máy… Theo ông Tiến, phạt tiền chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng ở đây là thương hiệu, uy tín dịch vụ của NH để từ đó giữ được khách hàng.
Các quy định khác như NH để ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo, lắp đặt hay thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột… cũng sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Theo ông Tiến, nhiều NH trước đây cũng đã cam kết và quy định nội bộ về thời gian để giải quyết các vấn đề như máy hỏng, lỗi kỹ thuật…
Khó khăn và tốn kém cho các NH
Mặc dù các NH đã sẵn sàng thực hiện tốt Nghị định 96 nhưng TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của chủ tịch HĐQT BIDV, cho rằng trong quá trình triển khai vẫn không tránh khỏi một số khó khăn. Thường mỗi khách hàng có 3-4 thẻ ATM ở các NH khác nhau. Nếu NH này hết tiền khách hàng sẽ sang rút ở NH khác. Do vậy các NH phải liên thông với nhau. Trước đây việc liên thông vẫn có nhưng chưa thực hiện đầy đủ. NH nên lắp các máy chuyên rút tiền mặt (có giá chỉ vài chục triệu) ở các điểm đông dân cư như khu công nghiệp, siêu thị, chợ…
Còn về phía NHNN, theo ông Lực sẽ vất vả và khó khăn khi xác minh nguyên nhân cụ thể máy ATM bị lỗi do hết tiền hay lỗi mạng. Việc này không chỉ tốn thời gian mà còn tốn cả nguồn nhân lực cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh… Cũng đã từng xảy ra tình trạng trụ ATM trở ngại không phải do hết tiền, do hỏng máy mà do mạng phập phù. Câu chuyện này giống như câu chuyện gọi 113. Khi có người gọi, lực lượng 113 tới nơi thì không có chuyện gì xảy ra. Việc xác minh để xử phạt xem ra cũng mất thời gian và tốn nhân lực. “Khó khăn ở đây không chỉ thuộc về các NH thương mại mà còn ở NHNN. Do đó thay vì áp dụng chế tài thì nên khuyến khích nhiều hơn để NH nâng cao chất lượng dịch vụ, tiếp quỹ nhiều hơn… Đây là thời buổi các NH phải cạnh tranh dịch vụ, chăm sóc khách hàng… NHNN và ngành bưu chính viễn thông cần có sự liên kết sâu hơn nữa, đặc biệt liên kết giữa các NH với nhau” - ông Lực nói.
Hầu hết chuyên gia dự báo NH sẽ sẵn sàng thực hiện tốt các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Và không phải đến giờ NH mới sẵn sàng các dịch vụ như tiếp quỹ, kiểm tra quỹ… Hai đợt nghỉ lễ gần đây nhất là 1-5 và ngày Quốc khánh 2-9, ở các cây ATM không còn tình trạng nghẽn mạng, hết tiền… như những năm trước.
Dịch vụ ATM: Không chỉ người dân được lợiATM là một kênh phân phối của NH, đó là một giao dịch tự động. Nó rất cần thiết cho nhu cầu của khách hàng trong việc tiết kiệm thời gian, có thể rút tiền bất kỳ lúc nào. Hơn nữa đây cũng là nhu cầu đặc biệt trong giai đoạn chúng ta tiếp cận với quốc tế, tiếp cận với thông lệ giao dịch không dùng tiền mặt. Về mặt kinh tế, việc đẩy mạnh dịch vụ ATM cũng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.Ông ĐẶNG QUỐC TIẾN, nguyên Phó Tổng Giám đốc MB
Pháp luật Tp. HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo