Phạt nhà ở sử dụng sai mục đích: Quy định làm khó dân?
Nếu chiểu theo hướng dẫn này thì hàng triệu nhà dân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Chưa có thời gian chuẩn bị, "đùng một cái" Bộ Xây dựng định "lấy dân" ra phạt, khiến dư luận không đồng thuận.
Chẳng ai đi cấm kinh doanh chính đáng...
Căn cứ quy định tại Nghị định 23/2009, Bộ Xây dựng vừa có hướng dẫn chỉ những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở mới bị xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 30 triệu đồng).
Đối với những trường hợp vừa kinh doanh, sản xuất vừa ở thì có thể xem xét không xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, với quy định này, nhiều chuyên gia đã khẳng định sự không hợp lý và khó thực hiện. Bởi nếu chiểu theo quy định thì hàng triệu nhà dân sẽ bị xử phạt.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Tôi nghĩ quy định phạt tại Nghị định 23/2009 chỉ có thể áp dụng đối với những trường hợp thuê nhà thuộc sở hữu của Nhà nước mà sử dụng sai mục đích, hoặc đối với nhà chung cư, còn đối với nhà của dân thì phải theo Luật Nhà ở năm 2005. Còn nếu như cứ nhà mặt phố đưa vào kinh doanh mà bị phạt thì nhà ở phố cổ Hà Nội, bao đời nay họ vẫn kinh doanh có đóng thuế đàng hoàng có ai phạt đâu. Nếu mà xử phạt những nhà này thì cơ quan đưa ra quy định thật... vớ vẩn!".
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố, đô thị, việc người dân có nhà mặt tiền rồi tận dụng để kinh doanh, cho thuê rất phổ biến nếu không muốn nói là 100%.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình, nhà ở là chuyện bình thường của xã hội, góp phần tạo nên nét riêng biệt của bất động sản. Ngay chính trụ sở một vài cơ quan Nhà nước (tôi không tiện nói tên ở đây) cũng có được sử dụng đúng mục đích đâu.
Có nơi cho ngân hàng thuê làm văn phòng giao dịch, có nơi cho thuê làm nơi kinh doanh, bán thuốc, bán quần áo... Tại sao, những đơn vị đó không bị cấm mà lại đi cấm người dân sử dụng nhà ở làm nơi kinh doanh?".
Từ thời Pháp thuộc, nhà mặt phố đã được sử dụng làm cửa hàng buôn bán. Chuyển sang thời bao cấp, do không có nhu cầu buôn bán nên những ngôi nhà này chuyển thành nhà ở. Giờ đến thời điểm kinh tế thị trường, việc chuyển mục đích sử dụng là hoàn toàn tự nhiên và hợp lý. Tại sao lại cấm?.
"Theo tôi, Nhà nước cần quản lý không phải là cấm sử dụng nhà ở đúng mục đích hay không mà là kiểm soát những hành vi kinh doanh bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến người xung quanh hoặc xã hội. Thử ví dụ trường hợp, người ta sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích cho thuê làm công ty, văn phòng. Theo đúng quy chế, họ sẽ phải xin phép ban quản lý chung cư, không có lý do gì Nhà nước lại đi cấm họ. Đi phạt những cái đó thì quá vô duyên! Cấm kinh doanh trái pháp luật chứ chẳng ai đi cấm kinh doanh chính đáng bao giờ!", Tiến sĩ Liêm đánh giá.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên- Trung tâm nghiên cứu miền Nam cũng phân tích: "Từ góc độ chính sách kinh tế, có thể nói quy định tại Nghị định 23/2009 là chưa từng có trong lịch sử. Ngay từ khi hình thành đô thị phong kiến dưới dạng "công trường thủ công" thì ngôi nhà dân ở đô thị đã có thêm chức năng sản xuất và buôn bán. Đó chính là "Hà Nội 36 phố phường" ngày xưa và những phố "chuyên doanh" ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh ngày nay.
Từ khi đổi mới, chính sách kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần - trong đó có hình thức kinh tế hộ gia đình. ở nông thôn, kinh tế hộ gia đình bao gồm cả sản xuất lương thực, chăn nuôi, thủ công nghiệp và kinh doanh ở đô thị, kinh tế hộ gia đình là sản xuất hàng tiêu dùng và kinh doanh buôn bán.
Đó là chính sách kinh tế của Đảng nên người dân không phạm luật mà chủ trương phạt họ mới là "vi phạm chính sách kinh tế của Đảng".
Chọn cách làm và thời điểm
Trước những phản ứng của dư luận cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà ở sử dụng sai mục đích ở thời điểm này là "tạo thêm sự không đồng thuận trong dân", nhất là sau những lình xình về chuyện thu phí do Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Chia sẻ quan điểm này, thành viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám nói: "Tôi nghĩ có lẽ các cơ quan của Chính phủ đang hướng tới mục tiêu lập lại trật tự kỷ cương nền hành chính trong quản lý trật tự xã hội, mục tiêu chính là như vậy. Còn cách làm được lòng dân hay chưa được lòng dân, phù hợp hay chưa phù hợp lại là một vấn đề khác. Tôi nghĩ mục tiêu là tốt, còn cách làm và thời điểm có thể là chưa phù hợp, cái đó các bộ ngành cần quan tâm hơn trong việc làm như thế nào, thăm dò dư luận ra sao, làm ở thời điểm nào, dựa trên cơ sở pháp luật nào?".
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Bộ Xây dựng muốn xử phạt gì cũng phải theo quy định của pháp luật, quy định của pháp lệnh xử phạt hành chính hiện hành. Các bộ, ngành trước khi đưa ra những quy định như vậy cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở pháp lý, về dư luận, về tất cả mọi thứ.
Chẳng hạn, trước khi xử phạt phải có thông báo, xác định hành vi vi phạm để người làm sai có thể sửa lại cho đúng, chứ không thể hướng dẫn phạt là xử phạt, thu tiền ngay.
Nếu xử phạt những nhà ở không sử dụng đúng mục đích chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình ổn định xã hội. Hơn nữa, đây cũng là tập quán lâu đời, gần như đã thành nét văn hóa của người dân nên thay đổi là rất khó.
Bộ Xây dựng nói rằng, chỉ xử phạt những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, sẽ rất khó khăn để thực hiện. Bởi, không thể đi gõ cửa từng nhà mà kiểm tra xem họ có ở không hay cho thuê để sử dụng vào mục đích khác.
"Có trường hợp chủ căn nhà cho thuê nguyên căn và tiếp tục hợp đồng với khách hàng thuê nhà làm bảo vệ ban đêm cho họ, vừa giữ nhà của mình vừa giữ tài sản cho khách hàng và kiếm thêm thu nhập từ lương bảo vệ. Trường hợp này xử phạt như thế nào vì thực tế chủ nhà đang ở trong chính căn nhà của họ?", Tiến sĩ Liêm đặt câu hỏi.
Trước lo ngại việc xử phạt sử dụng nhà ở trái mục đích sẽ ảnh hưởng đến nhiều người dân, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam - người ký văn bản hướng dẫn xử phạt cho biết: "Bộ Xây dựng trích Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn chứ không nghĩ ra quy định. Người ta muốn phạt tất cả trường hợp vi phạm nhưng Bộ Xây dựng nói các trường hợp vừa ở vừa bán hàng không phạt. Hướng dẫn không phạt những nhà vừa ở vừa kinh doanh để giải quyết nhu cầu cho dân trong điều kiện hiện nay".
Cũng theo ông Nam, trường hợp sử dụng nhà ở trái mục đích đã được quy định trong các thông tư, văn bản hướng dẫn. Các loại nhà ở sử dụng trái mục đích bị xử phạt chủ yếu như: Sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất gây tiếng ồn, ô nhiễm, độc hại ảnh hưởng đến dân cư xung quanh hoặc làm trụ sở công ty có tần suất người ra vào giao dịch, xe cộ tăng (chủ yếu ở các khu chung cư).
Với nhà ở không sử dụng vào mục đích để ở mà đặt trụ sở, ông Nam cho biết trước đây đã có hướng dẫn, theo quy định thì nhà chung cư không được sử dụng làm trụ sở, kho tàng nhưng với công ty có dưới chín người, không sản xuất, không làm kho tàng thì vẫn cho phép sử dụng.
Về vấn đề này, PV Nguoiduatin.vn đã trao đổi qua điện thoại với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về quy định xử phạt đang bị dư luận phản ứng này, ông Dũng cho biết: "Tôi sẽ cho kiểm tra lại!".
Nhiều chuyên gia khi bàn luận về chuyện xử phạt này đều đồng tính cho rằng: Từ góc độ luật pháp, cần lưu ý Luật Nhà ở 2005 không có điều khoản nào quy định nhà ở chỉ được dùng để ở. Luật này cũng chỉ nghiêm cấm việc sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị pháp luật cấm mà thôi. Không thể chứng minh việc kinh doanh, sản xuất và cho thuê nhà nằm trong danh mục bị pháp luật ngăn cấm nên cũng không thể nói người dân đã vi phạm pháp luật. Quy định của Nghị định 23/2009 không thể đặt cao hơn Luật Nhà ở. |
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo