Xã hội

Phạt tiền có ngăn được ngoại tình?

“Ngoại tình sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng”. Với điều khoản trong dự thảo Nghị định mới do Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến, nhiều người cho rằng, việc “luật hóa” đạo đức không có tác dụng răn đe mà chỉ khiến người ta quy đạo đức ra tiền”.

(Danviet) Tan vỡ hạnh phúc - phạt tiền?

Điều 46 Dự thảo Nghị định xử phạt hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, nêu rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với 2 hành vi: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật này.

“Giá nào cho việc tổn hại tinh thần của tôi? Giá nào cho việc hạnh phúc gia đình của tôi tan vỡ? Nếu hành vi đó chỉ bị phạt 200.000 đồng thì những người bị tổn thương như tôi sẽ cảm thấy phẫn uất, cảm thấy bị miệt thị, giễu cợt” - chị Dương Thị Bích (Long Biên, Hà Nội) vừa ly hôn cho biết. Sau khi sinh con 3 tháng thì chị phát hiện chồng mình cặp bồ.

Không những thế, anh ta còn nhơn nhơn: “Không thể bỏ ai trong 2 người” và công khai quan hệ với cô gái kia. Đau đớn, mệt mỏi, chị Bích héo hắt, mất sữa, con chị cũng còi cọc, hay ốm. “Có những lúc tôi như lên cơn điên, hết khóc lại cười, ôm con bỏ đi lang thang giữa đêm, may mà người nhà tìm về được”- chị Bích kể.

Về chế tài này, luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH FANCI, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang khẳng định: “Chung sống như vợ chồng phi hôn nhân là vi phạm trực tiếp nhất vào chế độ hôn nhân tiến bộ 1 vợ 1 chồng mà Luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay quy định. Do vậy việc xử lý hành chính hay hình sự là rất cần thiết”.

Tuy nhiên, luật sư Tú cho rằng việc phạt tiền cho hành vi này không nên vì gốc rễ của vấn đề này bắt nguồn từ tình cảm và văn hóa. Không ít người cho rằng mình có tiền, có quyền thì có thể “năm thê bảy thiếp” hoặc sống ích kỷ, chạy theo cảm xúc cá nhân mà bỏ quên trách nhiệm với gia đình, hôn nhân.

Khó tìm bằng chứng

Theo luật sư Tú, để tìm được bằng chứng cho kết luận “chung sống như vợ chồng phi hôn nhân” cũng không dễ dàng gì. Hiện nay phần lớn các thành viên bị xâm phạm vẫn đang phải tự mình, nhờ luật sư và đặc biệt và đơn vị có dịch vụ thám tử tư cung cấp thông tin, bằng chứng. Như trường hợp của chị Bích, dù biết mười mươi chồng ngoại tình nhưng không có bằng chứng. “Khi tôi đòi ly hôn anh ta lại gây khó dễ. Tòa án nói tôi không có bằng chứng anh ta ngoại tình” – chị Bích cho biết.

Luật sư Tú cũng cho biết: “Việc đánh giá xem thế nào là “chưa gây hậu quả nghiêm trọng” như trong dự thảo quy định cũng khá tối nghĩa. Nếu quy định như vậy thì cũng có nghĩa là phụ thuộc vào thước đo “cảm tính” của các cán bộ thực thi luật pháp. Thậm chí đây còn là “kẽ hở” cho các hành vi khuất tất. Cán bộ thi hành luật pháp nào nghiêm túc sẽ khó thực thi vì quy định chưa rõ ràng, sáng tỏ, còn cán bộ nào lạm quyền, tuỳ tiện thì lại dễ dàng phức tạp hoá, quan trọng hoá vấn đề lên để xử phạt”.

Ông Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến – sức khỏe - dân số cho biết: “Việc đưa ra các văn bản dưới luật để “hiện thực hóa” việc thực hiện là tốt, nhưng cần phải tính đến khả năng thực thi của nó. Việc xử phạt người ngoại tình sẽ khó khăn vì ai sẽ là người bắt quả tang, ai là người tiếp nhận đơn kiện, làm thủ tục, xử phạt”.

Ông Thiên cho biết, ngay nghị định xử phạt hành vi bạo lực gia đình đã có những chuyện đáng buồn. UBND xã phạt tiền người chồng vì hành vi bạo lực với vợ, nhưng rốt cuộc, người vợ lại phải bỏ tiền ra để nộp phạt cho chồng. “Với dự thảo nghị định này, sẽ dễ xảy ra tình trạng người “bị cắm sừng” lại phải nộp phạt. Như vậy, tính nghiêm minh của luật pháp không được bảo đảm mà người bị hại sẽ bị “nhân đôi” uất ức, đồng thời, kẻ gây tổn thương cho vợ (chồng) và gia đình lại vẫn “nhơn nhơn” – ông Thiên nhấn mạnh.

Bởi vậy, các chuyên gia đều cho rằng, trong vấn đề gia đình và các phạm trù đạo đức, cần có các giải pháp “dự phòng” hơn là phạt. Và đã phạt thì phải phạt nghiêm minh. Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh: “Ngoài phạt tiền còn có các hình thức xử phạt hiệu quả hơn như phạt lao động công ích, đánh mạnh vào việc chia tài sản và nuôi con khi ly hôn…”.

 

 

Thảo Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo