Phạt tới 2 tỉ đồng nếu vi phạm hành chính
Ba vấn đề được quan tâm thảo luận nhiều nhất là nâng mức xử phạt tiền (tối đa lên tới 2 tỉ đồng); bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc hay giao toà án thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính.
Nâng mức phạt để răn đe
Dự thảo luật nâng mức xử phạt tối thiểu từ 10.000 đồng lên 50.000 đồng (gấp 5 lần) và mức tối đa từ 500 triệu đồng lên 2 tỉ đồng (gấp 4 lần). Quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng mức phạt tiền cao không phải là giải pháp duy nhất và hữu hiệu hạn chế vi phạm, mà cần kết hợp với các hình thức phạt bổ sung khác. Hơn nữa, việc quy định mức phạt cao có thể dễ dẫn đến tiêu cực trong xử lý. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật (UBPL) Phan Trung Lý cho rằng, việc tăng mức phạt là cần thiết, để đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, thu nhập bình quân của người dân.
Ủng hộ mức xử phạt cao để đảm bảo răn đe, Chủ nhiệm UBKHCN&MT Phan Xuân Dũng nói: “Chúng ta xử phạt người vi phạm chứ có phạt dân lành đâu. Ở Singapore, ăn kẹo caosu hay vứt rác cũng có thể bị phạt tới 500USD. Khi ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao thì rất cần biện pháp mạnh để có tác dụng răn đe”. Chủ nhiệm UBKH&CN cũng tán thành cơ chế để UBND các tỉnh, thành phố lớn có thể quy định cho phép áp dụng mức xử phạt cao đối với các hành vi vi phạm hành chính tại các đô thị này.
Không buộc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc - như quy định tại pháp lệnh hiện hành, bởi như vậy quá nghiêm khắc, hạn chế quyền tự do của công dân. “Thường trực UBPL đề nghị không quy định hình thức xử lý này vào luật và cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng ngừa” - Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nhấn mạnh tại báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, có nhiều biện pháp để xử lý hành vi của người bán dâm, không nhất thiết cứ phải đưa vào cơ sở chữa bệnh, mặc dù có người chẳng có bệnh và thậm chí là họ còn khỏe hơn rất nhiều người. Vấn đề đặt ra ở đây là tìm biện pháp nào để xử lý người bán dâm phù hợp hơn, trong tình hình hiện nay. Kinh nghiệm một số nước có thể áp dụng tại Việt Nam: Tăng mức phạt tiền cao, nếu không có tiền có thể thay thế bằng biện pháp bắt buộc lao động công ích. “Tính chất giáo dục của biện pháp này rất cao và rất hiệu quả, có thể có những người không sợ đi tù, nhưng lại sợ lao động công ích” - ông Hiện phân tích.
Từ thực tiễn khi làm Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Không người phụ nữ nào muốn đi làm việc đó để kiếm sống. Tất nhiên có những cô gái đua đòi nhưng chỉ chiếm số ít, đa số do nghèo hoặc bị đưa đẩy, lừa gạt từ quê lên thành phố bán càphê rồi đẩy vào con đường bán dâm. “Tôi đề nghị bỏ quy định này và áp dụng những biện pháp khác, đồng thời bỏ luôn quy định áp dụng hình thức xử lý buộc chữa bệnh đối với người bán dâm bị bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Vì đã là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục thì người mua dâm cũng sẽ lây bệnh cho người khác. Nếu chỉ áp dụng bắt buộc chữa bệnh với người bán dâm thôi sẽ không hợp lý” - bà Ngân nói.
Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính, UBPL của QH cho rằng: Những biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp mang tính cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước. Do đó, việc giao tòa án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo trình tự, thủ tục chặt chẽ là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, chính xác, dân chủ. Việc này cũng nhằm phân định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ giữa hành chính và tư pháp, phù hợp với Hiến pháp và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
Cũng trong ngày 10.1, Uỷ ban Thường vụ QH còn cho ý kiến vào 3 dự án luật khác là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật Quảng cáo.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo