Phát triển kinh tế, đừng ăn đong từng năm
Hôm nay, 30/10, Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng qua, 29/10, đại biểu Vũ Viết Ngoạn (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: Thu ngân sách đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do kế hoạch tăng trưởng kinh tế đặt ra đầu năm là 6 - 6,5% nhưng thực hiện được thấp (khoảng 5,2%). Dự kiến sang năm 2013 tiếp tục tăng trưởng kinh tế khó khăn. Hệ lụy của tăng trưởng kinh tế không được cao như kỳ vọng là các doanh nghiệp sẽ khó khăn, nguồn thu khó khăn, kéo theo ảnh hưởng đến chi ngân sách.
Theo đánh giá của ông Ngoạn, tăng trưởng kinh tế thấp một phần do tổng cầu thấp. Việc cần làm hiện nay là phải làm thế nào để “sưởi ấm” tổng cầu lên, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Đánh giá về những mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2013, TS.Trần Du Lịch cho rằng: Các chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra đã cân đối kỹ tình hình hiện nay, ví dụ tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay là 5,2% thì mục tiêu sang năm đạt 5,5% là hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi niềm tin thị trường và ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp giải thể và hoặc ngưng hoạt động.
“Theo tính toán của các chuyên gia, thực trạng nền kinh tế của chúng ta đang ở trong tình trạng tiềm năng tăng trưởng còn khá cao do máy móc, công suất thiết bị đầu tư trước đây chưa khai thác, tận dụng hết. Nếu chung ta có biện pháp để khai thác cái đã đầu tư, chứ chưa cần đầu tư mới thì đã có thể tận dụng được 7% rồi. Vấn đề bây giờ không phải là đầu tư mới bao nhiêu để có tăng trưởng mà là khai thác hiệu quả cái đã có cho tăng trưởng”, ông Lịch nhấn mạnh.
Cũng theo TS.Trần Du Lịch, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% cũng có thể đạt được nếu chúng ta không quá vội vã thực hiện tăng giá một số mặt hàng hoặc cẩn thận với các biện pháp gây biến động tâm lý thị trường.
TS.Trần Du Lịch: "Để thúc đẩy kinh tế cần có kế hoạch 3 năm (2013 - 2015)
chứ không thể thực hiện ăn đong từng năm một".
Theo ông Lịch, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, Chính phủ cần tập trung vào 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu trong năm 2013. Trong đó, về ngắn hạn tập trung tạo dựng niềm tin thị trường, tháo gỡ nợ xấu, xử lý vốn cho doanh nghiệp, kích thích sức mua thông qua tín dụng tiêu dùng, chấp nhận một lộ trình tăng lương chứ không kéo dài lộ trình này bằng cách cắt giảm các khoản cho thường xuyên không cần thiết.
Ví dụ, chi cho lương và an sinh xã hội thì các khoản chi không thường xuyên khác đề phải cắt giảm 10% so với thực chi 2012. Dùng phần cắt giảm được này để bù vào tăng lương. Về thuế, tiếp tục thực hiện ưu đãi về thuế và sử dụng đất. Trong dài hạn, để thúc đẩy kinh tế cần có kế hoạch 3 năm (2013 - 2015) chứ không thể thực hiện ăn đong từng năm một.
Đề cập tới một số đề án lớn về phân cấp, phân quyền quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, TS.Trần Du Lịch ủng hộ chủ trương của Chính phủ về giới hạn lại và chấm dứt chủ trương mở rộng thí điểm đối với các tập đoàn kinh tế và hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là cơ chế về vai trò của người đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, vị đại biểu này đề nghị đối với việc tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế cũng như tái cơ cấu nền kinh tế cần có Ủy ban quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, liên ngành để giải quyết đồng bộ và kịp thời. Còn giao cho các bộ, ngành kể cả doanh nghiệp làm cục bộ như hiện nay thì kết quả sẽ hạn chế.
Đoàn Huế (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo