Quốc tế

Phát triển kinh tế phiên bản 3.0

Theo phân tích về mô hình mới trong phát triển kinh tế của ông Lâm Nghị Phu, kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới, các nước đang phát triển có thể duy trì tăng trưởng cao, trở thành nước có thu nhập trung bình, hoặc thậm chí cao, trong một hoặc hai thế hệ nữa.

Hai phiên bản cũ

 

Dù nổi lên với mô hình Đông Á, số ít các nền kinh tế vươn lên mức thu nhập cao trong vài thập kỷ qua. Trong giai đoạn từ 1950 – 2008, chỉ 28 nền kinh tế trên thế giới (12 nước không thuộc phương Tây) có thể thu hẹp được 10% khoảng cách thu nhập bình quân với Mỹ.

 

Hơn 150 quốc gia vẫn ở mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Thu hẹp khoảng cách tiếp tục là thách thức phát triển chính của thế giới.

 

Sau thế chiến thứ hai, mô hình phát triển thịnh hành là chủ nghĩa cấu trúc với mục tiêu đưa cấu trúc công nghiệp của các nước giàu sang áp dụng ở nước có thu nhập thấp. Các nhà cấu trúc thường khuyên chính phủ nên tiếp nhận chiến lược thay thế nhập khẩu, tận dụng sự can thiệp của khu vực công để vượt qua “thất bại thị trường”, gọi là mô hình phát triển kinh tế 1.0.

 

Các quốc gia trung thành với mô hình trên đã đạt được thành công ban đầu dựa vào đầu tư, nhưng tiếp đó lại là khủng hoảng liên tục và trì trệ.

 

Tư duy phát triển sau đó chuyển sang đồng thuận Washington theo hướng: tư nhân hoá, tự do hoá và ổn định hoá. Mô hình 2.0 này hướng các nước đang phát triển xây dựng thể chế thị trường lý tưởng. Đến nay đồng thuận Washington tiếp tục là đề tài tranh cãi. Một số nhà kinh tế cho rằng năm 1980, 1990 là “những thập kỷ mất mát” của các nước đang phát triển.

 

Do đói nghèo dai dẳng ở những quốc gia này, các nhà tài trợ song phương và cộng đồng phát triển toàn cầu tập trung vào chương trình giáo dục và sức khoẻ, cả vì lý do nhân đạo và mục đích tăng trưởng. Mô hình này được Lâm Nghị Phu xem là phiên bản 2.5.

 

Tuy nhiên nhìn vào kinh nghiệm ở châu Phi, nơi giáo dục đã được cải thiện đáng kể dưới các chế độ cũ nhưng lại thất bại trong đẩy mạnh tăng trưởng và tạo việc làm cho người trẻ có trình độ, hiệu quả của phiên bản 2.5 là không rõ ràng.

 

Một số nền kinh tế Đông Á từng đạt mức tăng trưởng ấn tượng rồi trở thành nước công nghiệp hoá, đã theo đuổi tăng trưởng dựa trên định hướng xuất khẩu.

 

Tương tự, những nước như Mauritius, Trung Quốc và Việt Nam cũng không thực hiện quá trình tự do hoá nhanh chóng (được gọi là “liệu pháp sốc”) mà áp dụng chính sách cải cách từng bước. Các nhóm nước đó đạt được những tiến bộ đáng kể trong giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo và các chỉ số phát triển con người.

 

Phiên bản mới

 

Theo quan điểm của nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới Lâm Nghị Phu, kinh tế phát triển phiên bản 3.0 được xây dựng dựa trên các câu hỏi về bản chất và nguyên nhân tăng trưởng kinh tế hiện đại. Đó chính là thay đổi cấu trúc trong quá trình phát triển kinh tế.

 

Tư duy phát triển cho đến nay tập trung vào những gì nước đang phát triển không có (các ngành công nghiệp thâm dụng vốn của các nước phát triển), hay những lĩnh vực các nước phát triển làm tốt hơn (chính sách đồng thuận Washington và quản lý), hoặc các lĩnh vực quan trọng như nhân đạo, nhưng không trực tiếp góp phần thay đổi cơ cấu (y tế và giáo dục).

 

Trong cuốn sách New Structural Economics, tác giả Lâm Nghị Phu đề xuất chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực mà các nước đang phát triển có thể làm tốt (lợi thế so sánh) dựa trên những nguồn lực của họ.

 

Trong thế giới toàn cầu hoá, cấu trúc công nghiệp tối ưu của một quốc gia, trong đó tất cả các ngành công nghiệp đều phù hợp với lợi thế so sánh của quốc gia đó và có tính cạnh tranh trong thị trường nội địa lẫn quốc tế, được quyết định bởi cấu trúc chu cấp (endowment structure). Khi thị trường được tổ chức tốt sẽ khuyến khích công ty trong nước đầu tư vào ngành dựa trên lợi thế so sánh của quốc gia.

 

Nếu các công ty của một quốc gia có thể làm được điều đó, nền kinh tế sẽ có sức cạnh tranh, vốn sẽ được huy động nhanh chóng, các lĩnh vực của lợi thế so sánh sẽ dịch chuyển và nền kinh tế sẽ cần nâng cấp cấu trúc công nghiệp lên mức hội tụ vốn tương đối cao hơn.

 

Do vậy, thành công trong nâng cấp các ngành công nghiệp và đa dạng hoá kinh tế đòi hỏi có người tiên phong và sau đó là phát triển kỹ năng, phát triển chuỗi cung ứng, vận tải, khả năng tiếp cận vốn. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích những người tiên phong, và chính phủ nên chủ động cải cách hoặc hợp tác công tư trong lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

 

Về định nghĩa, thay đổi cơ cấu chính là sáng tạo. Các nước đang phát triển có thể hưởng lợi nhờ việc áp dụng quá trình thay đổi cấu trúc đã được áp dụng ở các nước có thu nhập cao. Dựa trên những kinh nghiệm của những quốc gia thành công, mỗi nước đang phát triển có tiềm năng duy trì tăng trưởng hàng năm 8% (hoặc cao hơn) trong nhiều thập kỷ, và trở thành nước có thu nhập trung bình, hay thậm chí cao, trong một hoặc hai thế hệ nữa.

 

Điều quan trọng là phải có khuôn khổ chính sách tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân liên kết với các lợi thế so sánh của quốc gia, và để thu lợi từ các lợi thế sau đó của quá trình chuyển đổi cơ cấu.

 

 

Theo SGTT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo