Môi trường

Phạt vi phạm môi trường lên mức kỷ lục

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử phạt các cơ sở công nghiệp, các khu công nghiệp với một con số kỷ lục trên 37 tỷ đồng.

Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên Môi trường dẫn lời ông Lương Duy Hanh Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cho biết, thời gian qua cơ quan phát hiện rất nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cố tình gây vi phạm gây ô nhiễm môi trường, tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đặc biệt công ty cổ phần thuộc Da Hào Dương (TP.Hồ Chí Minh) đã bị cơ quan chức năng xử phạt công với 6.3 tỷ đồng - một mức phạt kỷ lục về mức độ ô nhiễm trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Trung tâm KCN xử lý chất thải dệt may Phố Nối (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cũng vi phạm trong xử lý chất thải ra môi trường (Ảnh:  monre.gov.vn))

Mới đây nhất, chiều 4/12, thanh tra Tổng cục Môi trường kiểm tra đột xuất phát hiện ngay cả các đơn vị làm công tác xử lý chất thải bảo vệ môi trường như Trung tâm Khu công nghiệp xử lý chất thải dệt may Phố Nối, thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cũng vi phạm trong xử lý chất thải ra môi trường. Đơn vị này chịu trách nhiệm xử lý nước thải của 11 doanh nghiệp trong KCN Phố Nối B, Hưng Yên.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 2/4 bể xử lý nước thải ngừng hoạt động, nước thải được đấu tắt bằng đường ống thép vào hệ thống lọc than hoạt tính, được chia làm hai đường. Một đường xả vào hố thu nước thải,có thể đóng mở dễ dàng. Hầu hết nước thải tại KCN này có màu đen đặc trưng của nước thải dệt nhuộm.

Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 12/2014, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt quả tang nhiều vụ xả chất thải công nghiệp độc hại chưa qua xử lý ra thẳng môi trường, với khối lượng  lớn như: vụ xả  nước thải dệt nhuộm của Công ty CP Bitexco Nam Long, Thái Bình;  Công ty  CP Dầu thực vật Quang Minh, Hưng Yên… 

Tuy nhiên các doanh nghiệp  đều viện nhiều lý lẽ cho việc vi phạm như do khách quan  trong quá trình cải tạo, có một số hạng mục của dự án chưa hoàn thành.

Vẫn theo cổng thông tin của Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng vẫn còn khoảng 30% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện. Đây là hậu quả của một thời gian dài, các địa phương chỉ quan tâm đến thu hút đầu tư, mà chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp giám sát, xử lý chất thải bảo vệ môi trường.

 

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo