Phạt xe không chính chủ: Khó thực hiện đối với xe máy
(dantri) Bà Đinh Thị Thanh Bình - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải đã chia sẻ ý kiến của mình về quy định xử phạt xe chính chủ trong Dự thảo Nghị định (lần 2) về xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
“Tôi đồng tình với việc phạt xe không chính chủ nhưng theo tôi phải có lộ trình chứ không thể nói phạt là phạt ngay. Phải gỡ được sự rối rắm trong cơ chế thủ tục hành chính, giảm chi phí để người dân không cảm thấy phiền phức khi sang tên đổi chủ phương tiện thì sẽ thuyết phục được người dân trong vấn đề này” - bà Bình khẳng định.
Theo bà Bình, tuy rằng quy định xử phạt chính chủ đối với xe máy là có lý và giải quyết được những vấn đề sâu xa liên quan, nhưng việc “đánh” vào tâm lý đám đông người sử dụng phương tiện xe máy (cũng giống với quy định nộp phí bảo trì đường bộ) nên sẽ vướng phải những phản ứng gay gắt từ dư luận, sẽ khó thực hiện đối với xe máy.
“Khi xảy ra tai nạn hoặc có những tranh chấp về tài sản thì việc đứng tên chính chủ đối với phương tiện sẽ dễ dàng hơn để làm rõ đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi người sử dụng phương tiện tham gia giao thông bị phát hiện là xe không chính chủ xử phạt thì rất phức tạp để giải quyết sao cho hợp tình hợp lý” - bà Bình cho hay.
Lý giải cho việc này, bà Bình chỉ rõ, do có liên quan đến 2 vấn đề là người sở hữu phương tiện (người đứng tên chính chủ xe) và người sử dụng phương tiện. Ở nước ngoài người ta không quy định chỉ chính chủ mới được sử dụng phương tiện để lưu thông mà người dân có quyền mượn phương tiện đó để sử dụng.
Nêu ra ví dụ khác để thấy sự bất cập khi xử phạt xe máy chính chủ, bà Bình cho hay, trong một gia đình có 7-8 người nhưng chỉ có 2 cái xe máy và việc đứng tên chính chủ trên giấy tờ của 2 xe đó đương nhiên cũng chỉ là 2 người, vậy trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày khi những thành viên khác trong gia đình sử dụng xe máy để đi (tức là không chính chủ) hay bạn bè mượn xe chắc hẳn sẽ gặp những phiền toái không đáng có liên quan đến quy định chính chủ và không chính chủ này.
“Để giải quyết những phiền toái liên quan đến Luật giao thông, người sử dụng phương tiện chỉ có cách là phải chứng minh được mình là người thân hay bạn bè của người sở hữu phương tiện bằng giấy ủy quyền, giấy mượn xe giữa 2 bên và phải có công chứng xác nhận của chính quyền địa phương. Với những điều kiện để được đi xe máy như vậy thì rõ ràng là mọi thứ càng trở nên phức tạp hơn và rối rắm hơn.” - bà Bình cho biết.
Nhìn nhận về thực tế mua bán xe nhưng không sang tên đổi chủ, bà Bình cho rằng đó là sai luật nhưng lí do là thủ tục hành chính nhiêu khê. Bởi, tìm được người chủ đầu tiên của xe không phải đơn giản, sau đó người ta lại mất quá nhiều thời gian cho việc thực hiện các mệnh lệnh hành chính hiện hành để được hợp thức hóa cái xe đó. Vì thế, tâm lý của họ là ái ngại và cứ sử dụng xe đó để đi mà không cần nghĩ đến việc phải đứng tên mình chính chủ của phương tiện.
Thủ tục hành chính cũng là vấn đề bức xúc nhất mà ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - nhấn mạnh đối với quy định xe chính chủ.
“Quy định này hợp lý và giúp giải quyết được những rắc rối liên quan đến phương tiện trong quá trình tham gia vận tải, tham gia giao thông. Tuy nhiên, thủ tục hành chính là vấn đề có nhiều vướng mắc nhất cần được giải quyết trước khi đưa quy định xử phạt vào thực thi” - ông Liên khẳng định.
Với xe máy, chỉ khi phát hiện có vi phạm giao thông thì mới nên hỏi đến chuyện chính chủ hay không chính chủ để răn đe người vi phạm chứ không nên đánh đồng lỗi này với tất cả các phương tiện tham gia giao thông.
Cũng theo ông Liên, xe máy hiện là phương tiện chủ đạo khi tham gia giao thông nên có ảnh hưởng rất lớn khi đưa những quy định liên quan vào thực thi. Muốn xử phạt theo điều kiện chính chủ thì cần có lộ trình phù hợp và mức phạt hợp lý để tránh tạo cho người dân tâm lý thiếu hợp tác.
Thảo Trần
End of content
Không có tin nào tiếp theo