Xã hội

Phạt xe không chính chủ: Người mua cần sang tên đổi chủ để tránh rủi ro

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 - Công an TP. Hà Nội cho rằng rủi ro "không sang tên đổi chủ" thuộc về người mua phương tiện.

Liên quan đến quyết định xử phạt đối với hành vi "không sang tên đổi chủ", Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 - Công an thành phố Hà Nội đã trả lời cụ thể một số vấn đề, theo tin tức trên báo VTC News. 

Thượng tá Quỹ cho rằng rủi ro "không sang tên đổi chủ" thuộc về người mua phương tiện. Có trường hợp mua xe trên mạng, giấy đăng kí có thể là đăng kí thật nhưng số khung, số máy đã được đục lại cho đúng với đăng kí đó.

Người mua xe máy cần làm thủ tục sang tên đổi chủ để tránh gặp rắc rối. Ảnh báo Kiến thức.

"Phiền toái thuộc về người bán, còn rủi ro thuộc về người mua. Điều quan trọng không phải là phạt bao nhiêu, mà phải cho người dân hiểu về ý thức trách nhiệm của mình đối với pháp luật, đối với xã hội", Thượng tá Quỹ nói.

Theo ông Quỹ, thực tế đã xảy ra đối với những trường hợp mua bán xe cũ, khi xảy ra vi phạm, CSGT kiểm tra mới phát hiện đó là xe tang vật. Trong khi đó, khi được hỏi, chủ xe trả lời mua trên mạng, do tham rẻ mà không có giấy tờ cũng như kiểm tra được thông tin.

Nhiều trường hợp xuất trình được giấy đăng kí nhưng sai số khung, số máy do được đục lại. Vì vậy, không làm thủ tục sang tên, không đến cơ quan công chức để xác nhận quyền sở hữu xe nên rất nhiều người gặp phải rủi ro liên quan đến xe tang vật của vụ án.

Vị cán bộ Đội CSGT số 1 khẳng định: "Không phải một vài trường hợp mà chúng tôi đã xử lý rất nhiều vụ việc như thế. Đôi khi bản thân người mua cũng không biết được đây là xe tang vật của vụ án.

Việc sang tên đổi chủ không chỉ khiến người dân có ý thức hơn mà còn giúp người dân xác minh được nguồn gốc của chiếc xe ấy". Ngoài ra, CSGT không được ra hiệu dừng xe để kiểm tra xe vì hành vi "không sang tên đổi chủ".

 

Ông Quỹ cho hay: "Thông tư 01 đã quy định, CSGT không được tự ý dừng phương tiện không vi phạm để kiểm tra phương tiện đó chính chủ hay không chính chủ. Anh dừng phương tiện khi người tham gia giao thông phải có hành vi vi phạm, hoặc là phải có kế hoạch, chuyên đề kiểm tra".

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, Cục CSGT vừa có chỉ đạo CSGT các tỉnh, thành phố phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí tại địa phương  mình tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và thông báo cho cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên di chuyển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ, thực hiện đến ngày 31/12/2016.

Theo đó, Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2015 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe cho phép: “ Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người được giải quyết đăng ký sang tên theo quy định tại Điều 24 Thông tư này đến hết ngày 31/12/2016”. Khi không thực hiện việc sang tên theo quy định thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46, với mức phạt từ 100.000 -200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000 – 400.000 ngàn đồng đối với các tổ chức.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo