Phẫu thuật thẩm mỹ: Lỗ hổng quản lý
Việc phân cấp quản lý các trung tâm thẩm mỹ như hiện nay (có phẫu thuật do Sở Y tế quản lý, không phẫu thuật do chính quyền địa phương quản lý) đang là một kẽ hở khó kiểm soát các hành vi sai trái của các trung tâm này
Trường hợp tử vong của nạn nhân Trần Thị Thu Hương do đi thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện Linh Nhung không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó đã có rất nhiều nạn nhân đã phải chết tức tưởi khi đi làm đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ tư nhân.
Tiền mất, tật mang
Năm 2011, dư luận cả nước vô cùng bức xúc khi chị Bùi Bích Lộc (38 tuổi, ở phố Lê Duẩn) đã đến Trung tâm thẩm mỹ Hà Nội (257 Giải Phóng) để bơm ngực với giá 2600 USD. Mặc dù cơ sở này không có giấy phép phẫu thuật bơm ngực, nhưng cơ sở vẫn nhận làm cho chị Lộc. Sau ca làm đẹp không lâu, chị Lộc thấy khó thở, buồn nôn rồi tử vong.
Cùng trong năm này, ngày 25/3/2011, chị H.T.L. (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) bơm silicone lỏng để nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân và bị nhiễm trùng đường huyết dẫn tới tử vong; Ngày 29/3/2011, bệnh nhân N.T.H., 26 tuổi, bị tai biến sau khi bơm silicon vào ngực và mông ở một cơ sở làm đẹp tư nhân phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.
Trên thực tế, ngoài những ca biến chứng dẫn đến tử vong thì đã có đến hàng trăm, hàng nghìn nạn nhân của thẩm mỹ phải chịu tổn thương về cơ thể lẫn tinh thần như: dị tật, thương tật thậm chí là tàn phế suốt đời. Nhiều nạn nhân dù “tiền mất tật mang” nhưng vẫn đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Mặc dù nguy cơ tử vong từ việc phẫu thuật thẩm mỹ cao, đòi hỏi các cơ sở y tế về thẩm mỹ phẫu thuật phải có tay nghề bác sĩ cao, có nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị đầy đủ. Tuy nhiên, do nghề thẩm mỹ phẫu thuật là nghề "hái ra tiền", nên số lượng các Trung tâm thẩm mỹ viện mọc lên ngày càng lớn, bất chấp thiếu bác sĩ tay nghề, trang thiết bị. Đối với khách hàng việc lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ thường dựa vào niềm, quảng cáo của chính các cơ sở thẩm mỹ.
Con dao hai lưỡi
Có thể nói, phẫu thuật thẩm mỹ là con dao hai lưỡi, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, tại các bệnh viện, việc phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ chuyên khoa 1 mới được phép làm. Nhưng ở các cơ sở tư nhân thì tiêu chuẩn này nhiều khi không được chú trọng. Khi xảy ra nguy cơ, nếu ở bệnh viện có nhân lực đầy đủ cùng với thuốc, trang thiết bị cần thiết để xử trí kịp thời các tai biến, thì tại một số phòng khám tư không đủ điều kiện này. Hầu hết các phòng khám tư, để tiết giảm chi phí, người ta không chọn các bác sĩ gây mê có tay nghề, thậm chí có bác sỹ phẫu thuật kiêm luôn gây mê. Khi bệnh nhân có biến chứng mới đưa lên các bệnh viện Trung ương cấp cứu thì đã quá muộn...
Trong khi đó, phần lớn những người đi làm phẫu thuật thẩm mỹ thường không quan tâm hoặc không hiểu biết về những nguy cơ tiềm ẩn. Chẳng hạn, những người trên 40 tuổi hay người mắc chứng huyết áp thấp, bị các bệnh về tim mạch, mắc các chứng bệnh mãn tính như: hen suyễn, các bệnh dị ứng... được khuyến cáo không nên phẫu thuật thẩm mỹ.
Thông tư 01/2004/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân qui định rõ các phòng khám giải phẫu thẩm mỹ “không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực, hút mỡ bụng, hút mỡ chi...”. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều trung tâm thẩm mỹ tư không đủ điều kiện vẫn hoạt động chui, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo công bố của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 40 cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở thẩm mỹ tư nhân hoạt động chui có thể lên tới hàng trăm. Các cơ sở này vẫn quảng cáo và thực hiện nhiều kỹ thuật không được phép thực hiện tại cơ sở y tế, thẩm mỹ tư nhân như: nâng ngực, nâng mông, hút mỡ bụng, hút mỡ chi...
Dù đã có chế tài nhưng nguyên nhân khiến cho các trung tâm thẩm mỹ “nở rộ” là do lực lượng kiểm tra của các Sở Y tế lại quá mỏng. Mỗi năm, các Sở chỉ tiến hành kiểm tra các thẩm mỹ viện 1 vài lần hoặc theo chiến dịch khi có sai phạm nghiêm trọng diễn ra. Việc xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe.
Một nguyên nhân khách quan trọng khiến cho việc giám sát, quản lý các trung tâm thẩm mỹ chưa tốt là đa số các thẩm mỹ viện đều là những trung tâm làm đẹp đơn thuần, vốn không có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ nên không thuộc sự quản lý của Sở Y tế. Các cơ sở kinh doanh này lại do chính quyền địa phương cấp phép. Nếu ngành Y tế muốn kiểm tra, phải có chứng cứ sai phạm, còn không là trái quy định. Việc phân cấp quản lý các cơ sở thẩm mỹ như hiện nay (có phẫu thuật thì do Sở Y tế quản lý, không phẫu thuật do chính quyền địa phương quản lý) đang là một kẽ hở rất khó kiểm soát các hành vi sai trái của các trung tâm thẩm mỹ.
Hà Chi (Theo DĐDN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo