Phê duyệt Phương án cổ phần hóa TCty Thủy sản Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.
Theo đó, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần (SEAPRODEX) kế thừa các ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa là 1.480.398.373.881 đồng. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 1.368.088.939.805 đồng. Hình thức cổ phần hóa là bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.
SEAPRODEX có vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng. Cổ phần phát hành lần đầu là 125 triệu cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng Việt Nam, trong đó 63,75 triệu cổ phần Nhà nước, chiếm 51% vốn điều lệ; 423.600 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong Tổng công ty, chiếm 0,34% vốn điều lệ; 60.826.400 triệu cổ phần cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường, chiếm 48,66% vốn điều lệ.
Sau năm 2015, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn, Nhà nước nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ.
Về tổ chức bán đấu giá cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và chịu trách nhiệm về mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần, chỉ đạo Tổng công ty Thủy sản Việt Nam tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần thực hiện việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Thủy sản - Công ty cổ phần theo quy định.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 218 người; trong đó, tổng số lao động chuyển sang Công ty cổ phần là 105 người; lao động nghỉ hưu là 1 người; lao động không có nhu cầu sử dụng là 43 người; số lao động chuyển sang Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác Biển Đông là 69 người.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam thực hiện chế độ đối với người lao động không chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần theo đúng chế độ nhà nước quy định. Nguồn kinh phí giải quyết cho người lao động bị mất việc làm được sử dụng từ tiền thu bán cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa.
Trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần; sau 1 năm kể từ khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty cổ phần về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý theo quy định.
Theo Chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo