Xã hội

Phí chồng phí trên tuyến QL5: Người dân “còng lưng” trả nợ cho VIDIFI?

(DNVN) - Bên cạnh hàng chục trạm thu phí được Bộ GTVT phê duyệt “đặt nhầm” trên tuyến huyết mạch Quốc lộ 1 đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, tại tuyến QL5, chỉ với khoảng 100 km cũng đã có tới 02 trạm thu phí nhưng điều lạ là VIDIFI – đơn vị khai thác lại không liên quan gì tới việc xây dựng con đường này.

Chưa bao giờ, vấn đề xây dựng các tuyến đường BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) lại “nóng” lên như những ngày qua, bởi nhiều người khá bất ngờ, bức xúc, phẫn nộ trước hàng loạt thông tin về việc trên cả nước, hàng chục trạm thu phí được đặt “nhầm” chỗ để “móc túi” người dân.

Nói “Nhầm” ở đây, bởi người dân phải “nộp tiền” cho doanh nghiệp BOT khi họ không đi vào tuyến đường các đơn vị kia xây dựng; bởi tại các vị trí này, người dân không có quyền lựa chọn con đường khác để đi…

Khái niệm BOT cũng được Bộ GTVT triển khai thực hiện, đã phê duyệt cho nhiều nhà đầu tư BOT khai thác các tuyến đường quốc lộ sẵn có với những câu từ mỹ miều như “sửa chữa, nâng cấp, tăng cường…” và biến thành “của riêng” các nhà đầu tư này.

Đơn cử như trạm thu phí Tam Nông (Phú Thọ); trạm Nam Cầu Giẽ (Hà Nam); trạm Bến Thủy (Nghệ An); trạm Quán Hàu (Quảng Bình); trạm Cai Lậy (Tiền Giang)… và hàng chục trạm thu phí BOT khác được đặt trên QL1, các nhà đầu tư chỉ việc xin dự án đầu tư một tuyến đường tránh, sau đó được phê duyệt luôn việc sửa chữa, quản lý, thu phí luôn các đoạn đường QL1 vốn có.

Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) được phê duyệt "đặt nhầm" trên QL1 khiến nhiều người dân, doanh nghiệp phản đối.

Tại tuyến đường QL5 Hà Nội – Hải Phòng, tuy chỉ dài khoảng 100 km nhưng có tới… 02 trạm thu phí được đặt tại đầu Hưng Yên và Hải Phòng; và đơn vị quản lý, vận hành là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam -VIDIFI cũng có điểm chung với nhiều nhà đầu tư BOT khác là: “Không tham gia vào việc đầu tư xây dựng nhưng vẫn được thu phí”.

Trước năm 2007, việc thu phí tại các trạm thu phí trên QL5 được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi chưa có quy định người dân phải đóng Quỹ bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 1/6/2012), do đó các trạm thu phí này được lập ra, thu phí để đảm bảo việc duy tu bảo dưỡng, bảo trì quốc lộ trên với kinh phí thu thấp.

Năm 2007, VIDIFI được giao đầu tư xây dựng tuyến BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, kèm theo đó là hàng loạt ưu đãi, trong đó có việc quản lý, thu phí tuyến QL5 trong thời gian kinh doanh dự án đường Hà Nội – Hải Phòng với mức phí cao hơn nhiều so với trước đó.

Lý do được đưa ra là để Nhà đầu tư có vốn xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và hoàn vốn. Vậy tại sao người dân phải gánh nợ cho doanh nghiệp BOT khi đơn vị này thua lỗ do những yếu kém trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng… khiến dự án liên tục chậm tiến độ; tổng mức đầu tư dự án từ hơn 24 nghìn tỷ đồng “đội” lên tới hơn 45 nghìn tỷ đồng (?!)

100 km tuyến QL5 tồn tại 2 trạm thu phí, do VIDIFI - đơn vị "không liên quan" tới việc đầu tư, xây dựng đang quản lý, thu phí.

Tuy VIDIFI quản lý, vận hành, thu phí 02 trạm thu phí trên tuyến QL5, nhưng năm 2013, Bộ GTVT vẫn phải vay 794 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện dự án cải tạo, khôi phục mặt đường QL5, với lãi suất bằng với dự án đường BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Nguồn vốn trả nợ, 50% vốn vay và lãi suất được lấy từ 02 trạm thu phí trên QL5, số còn lại lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ.

 

Đầu năm 2016, VIDIFI cũng được bàn giao công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa QL5 nhưng kinh phí để làm việc này lại được đưa vào phương án tài chính của dự án đường BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Mỗi ngày hàng nghìn phương tiện tham gia giao thông vẫn phải nộp tiền cho VIDIFI, dù muốn hay không.

Như vậy, ngoài việc phải đóng phí bảo trì đường bộ, người dân lại tiếp tục phải “gánh” thêm 1 lần nộp phí cho doanh nghiệp, nếu muốn đi vào tuyến đường của “chính mình”, và dù có đi trên QL5 hay đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thì mỗi ngày, hàng nghìn phương tiện tham gia giao thông vẫn phải nộp tiền cho VIDIFI, dù muốn hay không.

Thêm vào đó, với số vốn “đội” lên gấp đôi của dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, người dân cũng tiếp tục phải gánh nợ cho đơn vị này, đến khi nào VIDIFI “làm ăn có lãi”. Đây là những nghịch lý, méo mó, biến tấu trong việc thẩm định, phê duyệt những dự án mang tên BOT đã diễn ra nhiều năm qua, gây bức xúc trong dư luận cần được các cơ quan quản lý sớm trả lời sòng phẳng với người dân.

(Còn nữa)

Nam Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo