Phi công bất phú
Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thường được bà răn rằng: “Phi thương bất phú con ạ” (không làm thương mại thì không giàu - PV). Rồi khi lớn lên, bố tôi lại dạy bảo: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng, phi nông bất ổn” (tạm dịch nghĩa là: Không có công nghiệp thì không giàu, không phát triển thương nghiệp thì khó linh hoạt, thiếu tri thức thì khó hưng vượng, sản xuất nông nghiệp bị xem nhẹ thì không thể duy trì ổn định xã hội - PV). Điều đó cứ khiến tôi trăn trở mãi về cái sự khác nhau, về cái sự đúng - sai và cho đến hôm nay thì tôi hiểu rằng giữa bố và bà chẳng có ai sai cả.
Vấn đề chỉ là thời điểm lịch sử, thời đại mà bà tôi còn trên cõi đời, nền sản xuất công nghiệp nước nhà là đúc lưỡi cày, rèn dao, cuốc và lưỡi hái, lưỡi liềm; nền sản xuất tự sản, tự tiêu, nên chỉ có nhà buôn, thương lái mới giàu nhanh. Ngày nay, thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì rõ ràng sản xuất công nghiệp dành ngôi “phú hưng” là đương nhiên rồi. Điều tôi muốn nói đến là dự án Nhà máy Luyện đồng Lào Cai - cơ sở luyện đồng lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này. Với công suất đạt 10.000 tấn đồng tấm 99,95% Cu, 350 kg vàng ròng, 160 kg bạc thỏi và 40.000 tấn axit-sun-fua-ric/năm, sau 5 năm vận hành khai thác, Nhà máy này đã tạo ra giá trị kinh tế vượt xa số vốn đầu tư ban đầu là 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, mức lương trung bình của hơn 600 cán bộ, công nhân, lao động luôn đạt 7 - 8 triệu đồng/tháng và tăng lên hằng năm. Khi viết bài này khiến tôi lại nhớ đến tâm sự của một đồng chí nguyên là Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam rằng: “Công ty chỉ chậm trả lương 1 - 2 ngày thôi là chợ Cam Đường đã xao xác rồi”. Rồi vị giám đốc làm thử phép tính sơ sơ: Hơn 3.000 cán bộ, công nhân, người lao động trực tiếp (chủ yếu cư trú tại các phường của thị xã Cam Đường cũ), với mức lương trung bình 8,5 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi tháng Công ty đã trả 28 tỷ đồng tiền lương. Với số lượng con người như vậy và với tổng mức thu nhập mỗi ngày gần 1 tỷ đồng thì ảnh hưởng tới chợ là rõ ràng quá rồi. Điều này càng thêm chứng minh một điều rằng sản xuất công nghiệp không chỉ làm giàu cho doanh nghiệp, cho địa phương, quốc gia mà còn tác động trực tiếp và sâu rộng đến đời sống xã hội.
Trở lại thời điểm cuối năm 2014, chưa khi nào niềm vui lại đến dồn dập với ngành công nghiệp Lào Cai như vậy. Hàng loạt dự án lớn được đẩy mạnh đầu tư và các nhà máy lần lượt khánh thành đi vào sản xuất. Khu công nghiệp Tằng Loỏng - một khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh và cũng là kiểu mẫu của cả nước có diện tích quy hoạch hơn 1.100 ha chính thức trở thành “đại công xưởng” của tỉnh. Nhà máy Gang thép Lào Cai với công suất 1 triệu tấn gang, thép/năm, trong đó có 500.000 tấn phôi thép, sau 3 năm thi công đã khánh thành và đi vào sản xuất ổn định từ trung tuần tháng 9/2014 là một điểm nhấn của công nghiệp Lào Cai trong năm qua. Điều đáng mừng là Dự án với tổng nguồn vốn lên đến 337 triệu USD đã có thời kỳ hết sức khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới, sau bao lần giãn tiến độ cuối cùng cũng đã hoàn thành. Cái đích cuối cùng là tạo ra khối lượng sản phẩm có giá trị 7.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, trong đó chủ yếu là người địa phương. Dự án càng có ý nghĩa hơn khi sử dụng hầu hết nguồn quặng nguyên liệu đầu vào là các mỏ sắt trên địa bàn, trong đó nòng cốt là Mỏ sắt Quý Xa (Văn Bàn) với trữ lượng đến 120 triệu tấn.
Cùng thời điểm này, Tổ hợp hóa chất Đức Giang cũng hân hoan trong ngày lễ khánh thành và được đón Thủ tướng Chính phủ về cắt băng, phát biểu chúc mừng. Đây là dự án có giá trị đầu tư lên đến gần 100 triệu USD với 5 nhà máy chính có năng lực sản xuất mỗi năm đạt 400.000 tấn axit-sun-fua-ric, 160.000 tấn axit-phot-pho-ric, 100.000 tấn phân bón su-pe phốt-phát kép TSP, 60.000 tấn phân bón MAP và 50.000 tấn phụ gia thức ăn gia súc. Cuối năm 2014, niềm vui tiếp tục đến với ngành công nghiệp Lào Cai khi Dự án Nhà máy sản xuất phân bón cao cấp Diamon Phosphate (DAP) số II chính thức đi vào vận hành sản xuất sản phẩm. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên tới 250 triệu USD, công suất thiết kế cho sản phẩm chính là 330 nghìn tấn phân bón DAP/năm. Trong 3 dự án trên, ngoài liên doanh xây dựng Nhà máy Gang thép Lào Cai, 2 dự án còn lại đều đầu tư bằng nguồn vốn cổ phần và càng chứng tỏ rằng sản xuất công nghiệp tại Lào Cai có sức hấp dẫn.
Những dự án lớn đi vào sản xuất đã góp phần làm dài hơn danh sách các “siêu cơ sở” sản xuất công nghiệp của Lào Cai có giá trị tính tới con số nghìn tỷ đồng và hàng trăm triệu USD. Trong tương lai gần, Lào Cai còn nhiều dự án sản xuất công nghiệp giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang tiếp tục được triển khai thi công, như các nhà máy thủy điện; dự án Nhà máy Tuyển đồng tại xã Tả Phời (thành phố Lào Cai); Nhà máy Luyện đồng tại xã Bản Qua (Bát Xát); Nhà máy sản xuất Phốt pho vàng của Công ty Cổ phần Nam Tiến tại Khu công nghiệp Tằng Lỏng... Các nhà máy mới đi vào hoạt động đưa giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng mạnh, tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế - xã hội của tỉnh thay đổi tích cực. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (tính thời giá cố định năm 1994) đạt 5.285 tỷ đồng, nếu so với thời giá hiện tại thì con số này còn cao hơn nhiều lần. Mục tiêu quan trọng nhất của “Đề án phát triển công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp giai đoạn 2011- 2015” đã về đích trước 1 năm và vượt 3,6% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra đến năm 2015 (đạt 5.100 tỷ đồng).
Thế mạnh của sản xuất công nghiệp của Lào Cai là khai thác, chế biến khoáng sản với các mũi nhọn như luyện kim, sản xuất hóa chất, phân bón, phụ gia thức ăn gia súc và xây dựng các nhà máy thủy điện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định phát triển sản xuất công nghiệp là khâu đột phá của nền kinh tế. Điều đó đã được cụ thể hóa bằng các đề án, dự án mang tầm hoạch định chiến lược phát triển hết sức rõ nét và có hàm lượng trí tuệ cao, sát thực tế. Đó là việc sớm hoàn thiện các quy hoạch phát triển ngành, tiểu ngành, quy hoạch sản xuất các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thực thi cơ chế thu hút đầu tư với các khoản ưu đãi tối đa trong khuôn khổ quy định Nhà nước.
“Giấc mộng công nghiệp” đã trở thành hiện thực, từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng 67 lần, tốc độ tăng trưởng đạt mức trung bình 19%/năm. “Phi công bất phú”, Lào Cai đang bước vào đà phát triển mới, thiết lập vị thế mới, khởi nguồn bắt đầu từ những đột phá quan trọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động