Phí môi trường thu rõ, chi không biết
Thực tiễn địa phương
Yên Bái trùng điệp núi non nhưng cũng là nơi có rất nhiều khoáng sản mà ở Việt Nam có mỏ gì thì hầu như Yên Bái cũng có cái đó. Khoáng sản Yên Bái tuy đa dạng về chủng loại nhưng phần lớn quy mô nhỏ phân tán , trừ đá hoa trắng, đá vôi.
Cũng vì nhỏ và manh mún nên mới có tình trạng như ông Lê Đình Đạo, Chủ tịch Hội địa chất khoáng sản tỉnh Yên Bái nhận xét, rất ít doanh nghiệp chỉ hoạt động khoáng sản thuần túy mà họ còn mở thêm một số ngành nghề khác, chính vì thế không thể có con số chính xác về đóng góp của ngành khai khoáng.
“Phí môi trường thường được gộp vào các khoản khác nên khó có thể có con số cụ thể, biết được thu ngân sách từ phí môi trường là bao nhiêu”, ông Đạo nói.
Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có nhiều loại khoáng sản như quặng sắt, thạch anh, cao lanh, mỏ đá xây dựng, cát, sỏi. Năm 2013, tổng thu ngân sách của huyện là 50 tỷ đồng trong đó cái được gọi là phí môi trường thu được 13,5 tỷ đồng. Năm 2014, thu ngân sách cũng từ nguồn này đã được hơn 8 tỷ đồng. Ông Lã Tiến Ngọc, Chi cục phó Chi cục thuế huyện Trấn Yên cho biết, toàn bộ phí thu được nộp thẳng vào kho bạc nhà nước. Sau đó sẽ được tỉnh phân bổ xuống cấp huyện và xã.
Tuy nhiên, chúng tôi “cũng chỉ biết thu chứ không được biết có chi cho bảo vệ môi trường hay không bởi đây là nhiệm vụ của bên tài chính”, ông Ngọc chia sẻ
Ngay như ông Trần Đức Hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trấn Yên bảo, cũng không nắm được đóng góp về phí môi trường vào ngân sách huyện.
Còn ở cấp xã, vẫn theo ông Trần Đức Hợp, việc điều phối hay chi ngân sách từ phí môi trường thế nào thuộc thẩm quyền của xã.
Trong khi đó, ông Đinh Hùng Vỹ, Chủ tịch xã Mông Sơn, huyện Yên Bình cho biết, riêng về phí tài nguyên địa phương không được hưởng. Phí môi trường khai thác khoáng sản theo nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, xã được hưởng 30%. Có nghĩa, một khối đá 2000 thì được hưởng 30% trên giá trị khối đá, vị chi giá thời điểm hiện tại được khoảng 600-700 đồng/khối.
Tổng thu phí môi trường từ khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Mông Sơn năm 2013 khoảng 1,2 tỷ nhưng theo quy định xã cũng chỉ được chia lại 1 tỷ đồng. Như thế “Kinh phí tỉnh cấp và tiền đóng góp của người dân không đủ chi phí thu gom, vận chuyển rác thải”, ông Vỹ nói
Lời nguyền tài nguyên
Nắm bắt thông tin mù mờ không chỉ riêng huyện Trấn Yên, mà còn diễn ra khá phổ biến ở những nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Theo ông Nguyễn Đức Điển, Phó chủ tịch huyện Yên Bình, huyện cũng là địa phương có nhiều khoáng sản với 12 đơn vị được cấp giấy phép hoạt động, khai thác trên diện tích 182ha. Chủ yếu khai thác đá trắng. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, tổng thu ngân sách là 3,7 tỷ đồng.
Tỷ lệ ngân sách tỉnh phân bổ là tỉnh 20%, huyện 50%, xã 30%. Trong đó, 50% cho huyện được đưa vào cân đối chung nhưng tập trung ưu tiên thu gom rác, trồng cây xanh, xử lý rác thải và một phần cho công tác quản lý và cân đối chi thường xuyên.
“Tỷ lệ 30% cho xã có mỏ, còn các xã khác có được chia hay không thì không nắm rõ. Tỷ lệ phân chia do tỉnh quy định. Ngân sách thực hiện theo quy định. Cũng không biết tỉnh chi tiêu vào việc gì”, ông Điển nói.
Ông Nguyễn Công Ký, Phó trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ Dự toán của Cục thuế tỉnh Yên Bái cho rằng, hoạt động khoáng sản cần quân tâm nhất là phí môi trường. Trong chính sách phí môi trường, một năm với 116 điểm mỏ, toàn tỉnh thu được 35 tỷ đồng. Với cơ chế phân cấp ngân sách như vậy, có những huyện tỷ lệ rất cao vì nhiều mỏ. Trong số 29 mỏ đá hoa trắng, có đến 21 mỏ nằm ở huyện Lục Yên nên thu khoáng sản huyện Lục Yên rất cao. Nhưng phí môi trường chiếm chưa đầy 3%, không thấm gì so với để đầu tư trải đường.
Thu thì thế, về chi thế nào, theo ông đào Xuân Hồng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, quản lý và sử dụng phí thực hiện theo quy định từ năm 2012. Tuy nhiên, việc sử dụng có đúng mục đích hay không là bài toán nan giải. “Ngân sách thu phí bảo vệ môi trường đều đưa vào ngân sách của địa phương và phân bổ dưới nhiều dạng, có thể chuyển sang kinh phí sử dụng môi trường, có thể nguồn phí này lại phổ cập sang nguồn khác. Chưa có thông tin chính thức nguồn phí sử dụng bao nhiêu”, ông Hồng nói.
Câu chuyên ngân sách phân cấp về huyện và xã, nhưng việc giám sát địa phương sử dụng phí lại chưa có chi tiết để đánh giá được sử dụng thế nào, nhất là ở cấp xã đang là thực tế chung có lẽ không chỉ ở Yên Bái.
Nói như ông Đạo, trong khi nguồn thu từ hoạt động khoáng sản còn thấp, chưa đóng góp nhiều cho người dân do chính sách thuế chưa hợp lý, việc sử dụng phí bảo vệ môi trường trên thực tế địa phương sử dụng không đúng. “Có thực tế, cách đây một vài năm, hồi đó xã Mông Sơn thu được 2 tỷ thì có 1,5 tỷ phí bảo vệ môi trường, nhưng giám sát sử dụng vào mục đích gì thì không có ai giám sát”, ông Đạo nói.
Ông Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược Chính sách Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo nếu không sử dụng tốt sẽ dẫn đến một hệ lụy từ lời nguyền tài nguyên.
Phí bảo vệ môi trường là một nguồn thu trong khai thác khoáng sản. Cần phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng và tiết kiệm. Tiết kiệm vì nếu chỉ nhìn vào những hệ lụy ở giai đoạn hiện nay mà không nghĩ trong tương lai có rủi ro đối với môi trường, chúng ta còn có nguồn thu để phục hồi lại hay không?
“Sử dụng nguồn phí môi trường phải phục vụ môi trường, phải trả cho những người đã nhường rừng, đất đai, ao hồ cho khai thác khoáng sản. Thông thường cộng đồng này là cộng đồng yếu thế nhất trong xã hội phải có ưu tiên”, ông Ký nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo