Philippines muốn trao đổi với châu Âu về hồ sơ Biển Đông
Theo lịch trình, 49 nguyên thủ quốc gia châu Á và châu Âu cùng lãnh đạo hai tổ chức khu vực sẽ tập trung thảo luận về vấn đề kinh tế mà cụ thể là các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và cách thức củng cố kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, ASEM cũng sẽ thảo luận về những vấn đề mà cả hai khu vực cũng quan tâm như lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, định hướng tương lai của ASEM, tình hình bán đảo Triều Tiên và những diễn biến gần đây ở Myanmar. Hai văn kiện quan trọng dự kiến được thông qua tại ASEM 9 là Tuyên bố của Chủ tịch ASEM 9 và Tuyên bố Vientiane về Tăng cường hữu nghị vì hòa bình và phát triển được cho là sẽ thể hiện rõ chủ đề của hội nghị lần này: “Bằng hữu vì hòa bình, Đối tác vì sự phồn vinh".
Thực chất, hội nghị là cơ hội để cả châu Á và châu Âu thể hiện sự đoàn kết của mình. Như Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nói, đây là cơ hội đề củng cố hợp tác giữa các thành viên ASEM, thúc đẩy hơn nữa sự can dự giữa phương Đông và phương Tây. Theo Tân Hoa Xã, dự thảo tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEM (được công bố ngày 6/11) đã cho thấy, các nhà lãnh đạo ASEM cũng lưu ý sự giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu gây ra nhiều yếu tố bất định và nguy cơ cho các nước đối tác trong ASEM.
Về an toàn hạt nhân, dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch ASEM Vientiane cho biết các nhà lãnh đạo ASEM “nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường khuôn khổ pháp lý quốc tế về an toàn năng lượng hạt nhân” và “hoan nghênh Hội nghị cấp Bộ trưởng về an toàn hạt nhân Fukushima sẽ được tổ chức tại Nhật Bản trong tháng 12 tới”.
Các nhà lãnh đạo ASEM “cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường phòng chống tập thể trước các thảm họa và giảm bớt tổn thất trong các vụ thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra”. Các vị lãnh đạo cũng cam kết tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xử lý và đối phó khẩn cấp thiên tai, trong đó có cảnh báo sớm và tìm kiếm cứu hộ trên biển.
Một mặt đề nghị củng cố hợp tác giữa các thành viên ASEM, mặt khác, các nguyên thủ châu Á và châu Âu cũng đang cố gắng hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng sớm giải quyết những mâu thuẫn trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Dự thảo Tuyên bố Vientiane có đoạn viết, các nhà lãnh đạo ASEM sẽ tái cam kết “không tiến hành đe dọa hoặc sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào”.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEM cũng sẽ “tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp - thông qua đối thoại, thương lượng và các biện pháp khác”. Nguồn tin từ hãng Kyodo News ngày 5/1 khẳng định, sau cuộc họp trù bị hôm 4/11, các quan chức ASEM đã thống nhất sẽ không đưa nội dung về tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng vào chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vẫn tuyên bố: “Manila mong muốn trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các nước châu Âu về các tranh chấp chủ quyền để tìm ra một thỏa thuận công bằng và hòa bình tại Biển Đông”. Hiện ASEAN đang nỗ lực xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc, để giải quyết các tranh chấp thông qua con đường hòa bình.
Trong khi đó, dù tuyên bố nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, song hôm 5/11, Trung Quốc lại vừa công bố kế hoạch trái phép chi hơn 10 tỷ nhân dân tệ để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự tại những khu vực trên đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng từng khẳng định “Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị"
Hồng Lĩnh (Theo Công An Nhân Dân)
End of content
Không có tin nào tiếp theo