Philippines nói gì về 5 căn cứ quân sự đón lính Mỹ ở Biển Đông?
Hôm 20/3, Philippines đã lên tiếng ca ngợi một thỏa thuận mới cho phép binh lính Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trong lãnh thổ của nước đồng minh khu vực Đông Nam Á này. Đây là một phần trong “thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng” đã được hai nước ký kết từ năm 2014. Manila cho rằng, thỏa thuận này sẽ giúp củng cố các khả năng phòng thủ và an ninh hàng hải của Philippines.
Theo thỏa thuận, lính Mỹ sẽ được sử dụng 5 căn cứ của Philippines để xây dựng công trình quân sự; luân phiên đồn trú tàu thuyền, máy bay và binh lính để thực hiện hành động hỗ trợ nhân đạo và an ninh trên biển.
Được biết, 5 căn cứ được phía Philippines cho phép Mỹ sử dụng gồm: Căn cứ Không quân Antonio Bautista tại Thành phố Puerto Princesa trên đảo Palawan, căn cứ không quân Basa, Lumbia, Magsaysay và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen.
Thỏa thuận đã được 2 nước chấp thuận trong bối cảnh cả Philippines và Mỹ đều đối mặt với tình hình căng thẳng do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
"5 căn cứ quân sự này tái xác nhận cam kết chung của Philippines và Mỹ về việc thúc đẩy quan hệ đồng minh, theo đó đảm bảo an ninh và quốc phòng của cả hai nước", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho hay, thỏa thuận "sẽ tăng cường đáng kể các khả năng của chúng tôi" trong việc đảm bảo an ninh và hỗ trợ thảm họa.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, Manila rất hài lòng với thỏa thuận và việc lựa chọn 5 địa điểm làm căn cứ quân sự đón lính Mỹ. Tuy nhiên, không thấy phía Manila tiết lộ đó là nơi nào trong 8 căn cứ được Quốc hội nước này đồng ý.
Hôm 17/3, hải quân Mỹ khẳng định lực lượng này đã theo dõi hoạt động quanh bãi Scarborough mà Trung Quốc đã ngang ngược chiếm của Philippines từ năm 2012 đến nay.
Phía Mỹ cho rằng động thái này là một tín hiệu báo trước việc người Trung Quốc cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông trong hai năm qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo