Quốc tế

Philippines vừa "cần Mỹ" vừa muốn Nga giúp nâng sức mạnh quân sự

(DNVN) - Philippines đang tiếp cận Nga để nâng cao năng lực quốc phòng của mình trong bối cảnh Manila đang có tranh chấp chủ quyền căng thẳng với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Các quan chức quốc phòng Philippines mới đây đã có cuộc gặp với quan chức Cơ quan hợp tác kỹ thuật - quân sự Nga (FSMTC) nhằm tìm hiểu cách thức hợp tác, bao gồm việc đào tạo cho các sĩ quan quân đội và cảnh sát Philippines.

Đại sứ Philippines tại Moscow Carlos Sorreta đã dẫn đầu phái đoàn các quan chức quốc phòng nước này tham dự cuộc gặp với lãnh đạo FSMTC Sergey Buganov. Được biết, FSMTC là cơ quan liên bang trực thuộc trực tiếp Văn phòng Tổng thống Nga, phụ trách việc giám sát các thỏa thuận hợp tác với các nước khác.

Vừa "cần Mỹ", Philippines vừa tìm Nga giúp củng cố sức mạnh quốc phòng.

Ông Sorreta cho biết, cuộc gặp nhằm mục đích khám phá "những cơ hội có thể góp phần vào nỗ lực của chính phủ nhằm hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Philippines". 

Tại cuộc gặp, các quan chức Nga đã nêu vắn tắt cho phía Philippines những thông tin mới nhất về công nghệ và thiết bị quân sự cũng như cách thức tiếp cận chương trình đào tạo huấn luyện của Nga. Hai bên cũng thảo luận về việc đầu tư sản xuất vũ khí trong nước, dịch vụ và hỗ trợ tài chính.

Trước đó, trong bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thừa nhận Philippines không có đủ trang thiết bị để tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Trung Quốc: “Chúng tôi không có vũ khí, cũng chưa sẵn sàng để phát động một cuộc chiến với Trung Quốc. Nếu diễn ra, nó sẽ trở thành một vụ thảm sát”.

Một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Mỹ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, ông Duterte lại đưa ra lời biện minh rằng mục đích của ông chỉ nhằm thương lượng thành công với phiến quân Hồi giáo nổi dậy. 

"Tôi nói rằng có thể trong tương lai lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn cần họ ở Biển Đông".

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo