Xã hội

Phó Chủ tịch xã nói gì khi phê "lý lịch xấu" cho cô gái?

Phó chủ tịch xã giải thích ông chưa nắm được công văn của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc xác nhận lý lịch nên đã phê "lý lịch xấu" cho một cô gái mới ra trường xin việc làm.

Chiều 8/8, ông Trương Phúc Thực, Phó chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Nam Sách, Hải Dương) cho biết đã làm báo cáo gửi cấp trên về vụ bút phê "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương" vào sơ yếu lý lịch của một người dân, theo tin tức trên báo Zing news. 

Nội dung "bút phê" của Phó chủ tịch UBND xã An Bình vào sơ yếu lý lịch của nữ cử nhân. Ảnh: Zing news

Vị Phó chủ tịch xã giải thích rằng ông chưa nắm được công văn của Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc xác nhận lý lịch. “Sau khi nắm bắt thông tin, tôi đã xem và biết rằng theo quy định là mình đã làm sai”, ông Thực bày tỏ và thông tin thêm, sau khi sự cố xảy ra, UBND xã cùng gia đình chị Quyên đã trao đổi để tìm cách giải quyết.

Tại trụ sở UBND xã, ông Thực cho hay bản thân là cán bộ được luân chuyển sang Phó chủ tịch xã từ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hơn 1 năm, việc tiếp cận văn bản, thông tư gửi về chưa đến tay.

Theo vị cán bộ, khi xác nhận lý lịch, ông thường kiểm tra sổ hộ tịch, hộ khẩu của người dân xem họ có đăng ký ở địa phương hay không. Ngoài ra, cán bộ xã còn xem người này có chấp hành đường lối, chính sách của Nhà nước và địa phương.

"Chúng tôi vẫn thường làm như thế bởi vì chưa nắm bắt, tiếp cận được công văn số 1520 của cơ quan thuộc Bộ Tư pháp ban hành năm 2014", ông Thực nói.

Về vụ việc đang gây xôn xao, ông Thực cho biết đây là lần đầu tiên ông ghi bút phê với nội dung “chưa chấp hành quy định của địa phương” vào phần xác nhận ở mặt sau bản sơ yếu lý lịch.

 

“Chính vì không nắm được thông tư kia nên tôi mới ghi xác nhận như vậy, để động viên mọi người chấp hành quy định, qua đó giúp cho công tác của địa phương”, ông Thực lý giải.

Trước đó, anh Nguyễn Danh Cường (xã An Bình) đưa em gái 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học đến trụ sở UBND xã An Bình để xin dấu xác nhận vào bản khai sơ yếu lý lịch, nhằm hoàn thiện hồ sơ xin việc. Tại đây, ông Trương Phúc Thực đã viết vào phần xác nhận với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”, báo Vnexpress đưa tin.

Bức xúc vì bị lãnh đạo xã "bút phê" gây khó khăn cho em gái khi đi xin việc, ông Cường đã làm đơn phản ánh tới cơ quan chức năng và đưa sự việc lên mạng xã hội. Ông Cường nhận định rằng, có thể do gia đình ông không đóng khoản tiền vận động người dân quyên góp làm đường ở địa phương, nên đã bị cán bộ xã cố ý làm khó.

Ông Lê Đình Khoa - Chủ tịch xã An Bình lý giải, năm 2016 xã thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới trong đó có việc làm đường giao thông thôn, xóm. Xã đã họp bàn chủ trương, phổ biến tới tất cả người dân và đều nhận được sự đồng thuận.

Sau đó, xã tính toán phân bổ mỗi khẩu đóng góp 2 triệu đồng, thời hạn cuối cùng các hộ dân tham gia hỗ trợ là 9/8. Gia đình anh Cường có 6 khẩu, số tiền phân bổ là 12 triệu đồng nhưng chưa đóng góp.

 

"Việc đóng góp là vận động chứ không phải bắt buộc. Tuy nhiên, quá trình xử lý công việc, có thể anh Thực đã nóng giận, phê vào sơ yếu lý lịch của công dân với nội dung như trên", ông Khoa nói.

Theo hướng dẫn của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) vào năm 2014, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ chứng chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch.

Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. UBND cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.

Nên đọc




Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Zing news, Vnexpress)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo