Phó đoàn đại biểu Quốc hội can thiệp hoãn thi hành cưỡng chế?
Bà Trương Thị Xuân Phượng (SN 1960) ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vừa có đơn khiếu nại yêu cầu cơ quan thi hành án quận Ninh Kiều bồi thường thiệt hại do cơ quan này không giao tài sản đúng quy định.
Bà Phượng cho biết, năm 2013 bà đã mua trúng đấu giá lô tài sản trang thiết bị đã qua sử dụng gồm, tủ, giường, bàn, ghế, tivi, tủ lạnh, máy giặt… của bà Đặng Hồng Bé - chủ nhà hàng khách sạn 65 Hùng Vương, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - với số tiền trên 1,4 tỷ đồng, từ Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc sở Tư pháp TP Cần Thơ.
Ngày 9/6/2014, bà Phượng đã đóng đủ tiền cho cơ quan này. Cũng trong ngày 9/6/2014, Trung tâm bán đấu giá tài sản ra văn bản số 564 đề nghị Chi cục thi hành án dân sự quận Ninh Kiều đến nhận tiền, tiến hành giao tài sản cho người mua và thanh lý hợp đồng. Nhưng sau đó bà Phượng vẫn không được nhận tài sản mà mình đã mua.
Mãi đến 19/9/2014, chấp hành viên Chi cục Thi hành án mới ra quyết định cưỡng chế giao tài sản bán đấu giá cho bà Phượng.
Lúc 7h30 ngày 2/10/2014, khi Hội đồng cưỡng chế họp triển khai kế hoạch tiến hành cưỡng chế do ông Nguyễn Minh Trung, Chi cục phó Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều làm trưởng đoàn thì nhận được công văn số 166 đề ngày 2/10 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đề nghị tạm hoãn cưỡng chế thi hành án trong vòng 48 giờ đồng hồ. Công văn do ông Huỳnh Văn Tiếp - Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Cần Thơ ký tên.
Trong văn bản số 166 do ông Huỳnh Văn Tiếp ký, ông Tiếp cho biết vào lúc 21h30 ngày 1/10 có ông Sơn ở Tổng cục Thi hành án dân sự điện cho ông và yêu cầu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ có ý kiến đến Cục và Chi cục Thi hành án dân sự hoãn việc cưỡng chế thi hành án trong 48 giờ. Với lời yêu cầu này, sáng sớm hôm sau ông Tiếp đã cho soạn thảo văn bản và ký ngay, mang đến cho đoàn cưỡng chế.
Trao đổi với PV, một chấp hành viên nhiều năm kinh nghiệm, cho biết khi đoàn cưỡng chế đang tiến hành thi hành án thì chỉ có Chánh án tòa án và Viện trưởng Viện KSND cùng cấp hoặc cấp trên mới có thẩm quyền đề nghị hoãn thi hành quyết định cưỡng chế bằng văn bản và phải đề nghị trước 24h. Chấp hành viên này cũng phân tích rằng văn bản của đoàn Đại biểu quốc hội không phải là cơ sở pháp lý để buộc dừng quyết định thi hành án.
Đến ngày 6/10/2014, Hội đồng cưỡng chế tiếp tục đến số 65 Hùng Vương công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế tài sản cho người trúng đấu giá thì phát hiện mất nhiều tài sản trong số tài sản bà Phượng đã mua gồm hàng chục ti vi, hệ thống máy lạnh, loa, bàn xếp khung sắt mặt inox, ghế nhựa...
Bà Trương Thị Xuân Phượng, người nhận tài sản cưỡng chế cho biết số tài sản bị mất mát, hư hỏng không sử dụng được trị giá trên 200 triệu đồng.
Theo Dân Trí
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo