Phó Thống đốc: “Cứ có dự án hiệu quả là không lo thiếu vốn”
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định như vậy tại cuộc họp về hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc, ngày 1/4.
Đến 31/12/2014 tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 12 tỉnh Tây Bắc đạt 113.179 tỷ đồng, tăng 21,35% so với 2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 17,62%) và chiếm tỷ trọng 2,54% tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế. Đây là nguồn vốn quan trọng để thực hiện đầu tư cho sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến 31/12/2014 đạt 149.383 tỷ đồng, tăng 16,1% so với 31/12/2013, cao hơn mức tăng chung cả nước (mức tăng chung cả nước 14,16%) và chiếm tỷ trọng khoảng 3,76% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn chiếm 40,74% tổng dư nợ tín dụng toàn vùng và chiếm 8,17% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc.
Đáng chú ý, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang, các ngân hàng thương mại đã ký 14 hợp đồng tín dụng cam kết tài trợ số vốn vay lên đến 20.116 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân được gần 5.000 tỷ đồng cho các dự án.
Còn tại hội nghị năm 2015 sẽ diễn ra ngày 3-4/4/2015, các ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại vùng Tây Bắc, với số tiền cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh như thủy điện, khai khoáng, công nghệ chế biến, vận tải, nông sản…
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện các ngân hàng đang chuyển đổi cơ cấu tín dụng cho vay tại khu vực này từ ngắn hạn sang trung – dài hạn, và mạnh dạn cho mở hệ thống mạng lưới dịch vụ ngân hàng. Ông Tú cho rằng, vì lợi nhuận thì chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ “ngại” mở rộng mạng lưới tại đây, nhưng vì trách nhiệm với xã hội nên phải hy sinh lợi nhuận và đi trước một bước. Do đó, “nếu như ở thành phố, đô thị thì NHNN không khuyến khích các ngân hàng mở rộng mạng lưới, nhưng riêng vùng sâu, vùng xa như khu vực Tây Bắc thì chỉ cần các ngân hàng có nhu cầu mở chi nhánh, phòng giao dịch thì NHNN sẵn sàng tạo điều kiện ngay” – ông Tú nói.
Hiện ở 14 tỉnh vùng Tây Bắc đều đã có sự hiện diện của các ngân hàng thương mại Nhà nước, thậm chí Agribank đã “phủ” mạng lưới tới tận huyện, xã. Nhiều NHTM cũng đã có 2-3 chi nhánh cấp 1 tại tất cả các tỉnh.
Ngoài chính sách tín dụng thương mại thì chính sách tín dụng ưu đãi cũng là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo khu vực này vươn lên thoát nghèo. Đến 31/12/2014 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của vùng Tây Bắc là 21.620 tỷ đồng với hơn 1 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng hơn 16,7% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Song song với chính sách tín dụng, hoạt động an sinh xã hội dành cho đồng bào Tây Bắc cũng được ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm tổng số tiền ngành ngân hàng tài trợ cho vùng đạt 1.300 tỷ đồng. Tính riêng quý I/2015 các ngân hàng đăng ký tham gia tài trợ cho vùng là 123 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một khó khăn khi các ngân hàng “đưa” vốn lên vùng Tây Bắc là hạ tầng cơ sở ở đây còn thiếu thốn, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Về điểm này, Phó Thống đốc khẳng định, ngành ngân hàng sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ dần, đồng thời tìm kiếm thêm nguồn vốn lớn, kể cả vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài để tạo “lực” phát huy tiềm năng của vùng Tây Bắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng