Tài chính - ngân hàng

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Sẵn sàng bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ điều hành tỷ giá ổn định theo hướng không quá 2% và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong biên độ cam kết từ đầu năm.

Mấy ngày qua, tỷ giá tăng trở lại và hiện giá mua bán cao nhất được đẩy lên mức 21.805-21.870 đồng trong ngày 26/5. Để gạt bỏ tâm lý kỳ vọng của thị trường, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm điều hành ổn định tỷ giá trong biên độ 2%.

Tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại đưa ra biên độ định hướng điều hành tỷ giá không quá 2% trong năm 2015. Vậy bà có thể nói rõ hơn quan điểm điều hành theo định hướng này?

Từ năm 2012 đến nay, NHNN lựa chọn cách thức điều hành theo hướng định hướng trước biên độ biến động của tỷ giá trong năm. Kết quả, năm 2012 và 2013, NHNN định hướng mức điều chỉnh tỷ giá không quá 2-3% nhưng trên thực tế năm 2012 không cần phải điều chỉnh, năm 2013 chỉ điều chỉnh tăng 1%, năm 2014 điều chỉnh 1% trong khi biên độ định hướng không quá 2%.

Năm 2015, NHNN định hướng điều hành tỷ giá trong phạm vi biên độ không quá 2% cho cả năm. Định hướng này được cân nhắc trên cơ sở phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ như các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 do Quốc hội đề ra, kết quả dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, đặc biệt là dự báo cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư.

Với định hướng này, trong năm 2015, NHNN đã và đang điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan với lạm phát để tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của VND.

Tuy nhiên, mới hơn 4 tháng đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá hai lần với mức điều chỉnh tổng cộng là 2%, tức là đã hết mức công bố cho cả năm. Bà có thể cho biết lý do NHNNthực hiện điều chỉnh tỷ giá hết định hướng cam kết cho năm 2015 là 2%?

Như tôi đã định hướng điều hành tỷ giá ổn định năm 2015 với mức điều chỉnh không quá 2% đã được tính toán, cân nhắc trên cơ sở một loạt các yếu tố vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước. Nhưng điều chỉnh vào thời điểm nào, liều lượng điều chỉnh ra sao thì đó là phải tùy thuộc vào sự linh hoạt của NHNN, cân nhắc không chỉ yếu tố kinh tế mà còn cả yếu tố tâm lý, kỳ vọng trên thị trường.

Lần thứ nhất, NHNN quyết định điều chỉnh 1% vào ngày 7/1/2015 ngay sau khi Nghị quyết chính phủ được ban hành để chủ động dẫn dắt thị trường, đồng thời, giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.

Ngày 7/5/2015, NHNN đã điều chỉnh tăng nốt 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, giúp các doanh nghiệp yên tâm khi điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình đến cuối năm 2015.

Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá 2 lần trong hơn 4 tháng đầu năm, thị trường có tâm lý băn khoăn, lo lắng vì NHNN đã điều chỉnh hết  "room" điều chỉnh cho năm nay. Vậy từ nay tới cuối năm định hướng điều hành tỷ giá của NHNN như thế nào?

NHNN tiếp tục định hướng cả năm 2015 sẽ điều hành trong phạm vi biên độ 2% như đã định hướng đề ra từ đầu năm.

Thứ nhất, việc phá giá ở mức cao sẽ mang lại lợi ích cho những nhà xuất khẩu, nhưng đối với những ngành sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài sẽ chịu tác động bất lợi khi giá nhập khẩu đầu vào tính bằng đồng nội tệ gia tăng.

Đối với ngành dệt may, tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu năm 2013 là 82,5%; 70% đối với sản phẩm gỗ, 65% đối với sản phẩm may mặc, 50-60% đối với sản phẩm da giày.

Trường hợp phá giá để có lợi ích cho nhóm bà con nông dân khi xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nhưng lại làm cho đông đảo bà con nông dân phải chịu giá cao khi mua phân bón, thuốc trừ sâu, các thiết bị, công cụ sản xuất nông nghiệp…

Với thực trạng này, việc điều chỉnh tỷ giá để nâng cao năng lực cạnh tranh về giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng không dễ cải thiện được nhiều.

Thứ hai, với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hiện nay lên tới trên 80%GDP, phản ánh sản xuất của nước ta phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu thì rõ ràng sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 90% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và chỉ có 10% là hàng tiêu dùng.  

Thứ ba, việc điều chỉnh tăng tỷ giá vượt biên độ định hướng đề ra sẽ làm gia tăng nghĩa vụ nợ nước ngoài của Chính phủ, ảnh hưởng tới việc kiểm soát nợ công khi đang ở sát ngưỡng 65% GDP; ngoài ra, đối với các khoản nợ doanh nghiệp cũng sẽ bị tăng nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Thứ tư, mặc dù mức lạm phát hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên không thể chủ quan tới lạm phát khi giá dầu tăng trở lại (giá dầu tăng trở lại ở mức trên 60 USD/thùng, cao hơn mức 47 USD/thùng vào tháng 1/2015). Chưa kể lạm phát còn chịu tác động trễ của chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, cũng như xu hướng đang tăng trở lại của tín dụng đối với nền kinh tế.

Thứ năm, tỷ giá được NHNN điều chỉnh tăng liên tục trong những năm qua (ngay cả thời gian đồng USD giảm giá, thì tỷ giá của VND/USD vẫn luôn được điều chỉnh tăng), mức điều chỉnh cao nhất là năm 2011 (tăng 9,3%), sau đó mỗi năm tăng từ 1-2%/năm. Bởi vậy VND không còn bị đánh giá quá cao như thời gian trước đây.

Thứ sáu, từ đầu năm đến nay, hệ thống các TCTD vẫn tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ tổ chức kinh tế và cá nhân; với cách thức điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng nâng cao lợi ích nắm giữ của VND sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ cho hệ thống các TCTD. 

Theo Trần Giang (Bizlive)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo