Phó Thủ tướng: EVN 'không làm được gì cả'?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2014, EVN đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1%. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã không hài lòng với con số này, ông cho biết, chuẩn mực của thế giới là 7-12% và 1% không làm được gì cả.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: "1% là gì? 1% là không làm được gì cả. Chuẩn mực của thế giới là 7-12%, 7% đã là hết sức khó khăn trong chuyện giao tiếp với ngân hàng rồi".
Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh lý giải: "Chỉ đặt thế thôi vì giá điện hiện như thế và năm nay Tập đoàn còn không biết phát bao nhiêu dầu".
Theo báo cáo mới nhất, doanh thu bán điện của EVN năm 2012 đạt gần 144.000 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến 31/12/2012 gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện hơn 4.700 tỷ đồng. Riêng sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 lãi khoảng 4.404 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng cho rằng, với mức lãi do sản xuất kinh doanh điện hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận của EVN mới chỉ đạt 2,5%. Cho rằng, mức tỷ suất lợi nhuận này chưa làm EVN phát triển tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải cân bằng lại nguồn vốn.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề đặt ra cốt lõi với EVN là phải phát triển bền vững. "Nếu vận hành trong tình trạng ‘'lỗ thường xuyên', 'lỗ ổn định', tất cả các chuẩn mực của EVN sẽ giảm, đồng thời, chất lượng quản lý cũng như sản xuất kinh doanh của ngành điện sẽ bị xói mòn", Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Trước đó, đánh giá về mức lãi EVN có được năm 2012, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐQT EVN từng cho biết, mức lãi EVN có được không thể gọi là khủng. "Số lãi này không thể gọi là khủng... thấp hơn nhiều so với lãi gửi tiết kiệm", ông Vượng nói.
Trong khi tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt khoảng 3-4% thì tỷ suất lợi nhuận trên tổng giá trị tài sản mà EVN đang vận hành là 18 tỷ USD, tương đương 360.000 tỷ chỉ đạt khoảng 1,67%.
Thừa nhận giá bán điện hiện nay dù thấp hơn giá thành nhưng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tái khẳng định, so với thu nhập của người dân, giá điện không còn rẻ nữa. Lời nhận định này của Phó thủ tướng từng được đưa ra cách đây một năm kể từ khi EVN tăng giá điện lên 5% vào cuối năm 2012.
Mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tổng vốn ở mức rất thấp, nói như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, "7% đã là hết sức khó khăn trong chuyện giao tiếp với ngân hàng" nhưng mới đây, ngày 19/12 EVN lại tiếp tục được vay gần 3.200 tỷ đồng trong khi đã đứng đầu bảng nợ khi vay 144.000 tỷ đồng từ các ngân hàng trong nước.
Cho đến nay, Vietcombank cùng các đơn vị thành viên EVN đã ký các hợp đồng tín dụng để đầu tư vào 17 dự án của ngành điện trên các lĩnh vực chính là đầu tư nguồn điện và phát điện, truyền tải điện, phân phối điện… với tổng giá trị đầu tư (bao gồm các khoản tín dụng đã giải ngân và cam kết cho vay) gần 23.000 tỷ đồng.
Mặc dù kinh doanh có lãi trong năm 2013 vừa qua nhưng EVN và Tập đoàn xăng đầu Petrolimex là 2 doanh nghiệp nhà nước được miễn nộp cổ tức để bù lỗ trước đó.
Trong khi Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã đóng góp khoảng 13.700 tỷ đồng, kế đến là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) khoảng 4.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) nộp được hơn 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Than- Khoáng sản hơn 400 tỷ đồng…
Cùng với EVN, Petrolimex cũng là tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận trên vốn ở mức thấp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Petrolimex sau 6 tháng đầu năm 2013 là 681 tỷ đồng. Nếu tính trên tổng nguồn vốn là 59.928 tỷ đồng thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chỉ đạt 1,1%.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với mức lợi nhuận là1.579 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn 60.986 tỷ đồng là 2,5%.
Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Tập đoàn Sông Đà) cũng từng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2010 chỉ đạt 1,4%, năm 2011 còn thấp hơn, chỉ đạt 0,9%.
Tỷ suất lợi nhuận đạt mức cao hơn nằm ở các Tập đoàn như Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) năm 2012, lợi nhuận của tập đoàn là 2.500 tỷ đồng khi vốn chủ sở hữu tập đoàn là 32.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 7,8%.
Năm 2013, PVN đạt lợi nhuận sau thuế 41.000 tỷ đồng. Hiện, vốn chủ sở hữu của PVN 304.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 13,5%.
Viettel đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 26.413 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Viettel năm 2013 là 72.247 tỷ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 36,6%.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao giá vàng thế giới lao dốc hơn 2%?
Nhận diện động lực sẽ giúp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Giá ngoại tệ ngày 12/11/2024: USD tiếp tục tăng
Cảnh báo mạo danh Amazon để lừa đảo người tiêu dùng
Giá nông sản ngày 12/11/2024: Cà phê, hồ tiêu giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 12/11/2024: Duy trì mức giá cao trên toàn quốc
Cột tin quảng cáo