Chính trị

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Lai Châu

Chiều ngày 12/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu về tình hình kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 9 tháng đầu năm 2015.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực, vươn lên đạt được những thành quả phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, xóa đói giảm nghèo, văn hóa-xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh Lai Châu phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác xóa đói giảm nghèo tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác xóa đói giảm nghèo tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ngoài ra, các mặt về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống tội phạm (nhất là tội phạm ma túy) được đẩy mạnh và thu được những kết quả to lớn. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc có bước phát triển, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới...

Phó Thủ tướng đánh giá cao các cấp chính quyền và nhân dân đã xác định rõ mục tiêu xóa đói giảm nghèo để tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị để từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương những hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với các huyện nghèo của tỉnh Lai Châu theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả giai đoạn 1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EVN tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho các huyện nghèo của tỉnh Lai Châu trong thời gian tới, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh thực sự giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Đây là việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng còn nghèo khó như Lai Châu.

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,4%/năm, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 17,9 triệu/người/năm (tăng 1,83 lần so với năm 2010), thương mại-dịch vụ tăng 20%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 tăng 3,4 lần so với năm 2010, thu ngân sách 8 tháng đầu năm đạt 80% dự toán. Xây dựng nông thôn mới bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

 

Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả lớn, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 46,7% năm 2010 xuống còn 20,7% năm 2015. Đặc biệt, tỉ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số đã giảm từ 41,7% xuống năm 2011 xuống còn 28,8% năm 2014. Công tác an sinh xã hội, nhất là với các đối tượng chính sách, được quan tâm thường xuyên, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Vẫn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, công tác cải cách hành chính được quan tâm, đẩy mạnh như 38/38 đơn vị, cơ quan hành chính thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập (111 đơn vị) thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Các cơ quan chú trọng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước. Hiện đã có 18/21 sở ngành, 8/8 huyện và toàn bộ các xã thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông, 102 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Tại cuộc làm việc, tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn sông Đà, tăng phí dịch vụ bảo vệ môi trường, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tái sinh, cấp kinh phí cho nhân dân nuôi trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng tái sinh.

Đối với nhân dân vùng tái định cư các thủy điện lớn như Lai Châu, Huội Quảng-Bản Chát, tỉnh Lai Châu đề nghị Trung ương có chuyên đề ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cần có cơ chế điều tiết nguồn thu thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để tái đầu tư cho nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa địa phương và doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng kiến nghị Trung ương bố trí vốn cho các dự án trên địa bàn như xây dựng đường xá, bệnh viện, ổn định dân cư, chống sạt lở đất, xây hồ chứa nước, phê duyệt dự án trồng cây cao su...

Theo báo chinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo