Thị trường

Phó Thủ tướng: Quản chặt vốn EVN, không được thiếu điện

“Cần quản lý chặt chẽ vốn và tài sản của Tập đoàn, củng cố các Ban quản lý dự án để đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn vốn cho các dự án điện cấp bách, nhất là các dự án điện với mục tiêu bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam”.

Phó Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt chẽ vốn của EVN

Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 22/TB-VPCP sau khi ông tham dự Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần lưu ý thực hiện tốt các nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện như một số năm trước đây, do vậy cần bám sát tiến độ các dự án trong Quy hoạch điện VII để chỉ đạo các dự án phù hợp.

Năm 2014, điện sản xuất và mua là 140,5 tỷ kWh, tăng gần 10% so với năm 2013 là phù hợp. Tuy nhiên, Tập đoàn cần có phương án để có thể đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao hơn khi xuất hiện tình hình thuận lợi, kinh tế phát triển cao hơn dự kiến.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo: “Cần quản lý chặt chẽ vốn và tài sản của Tập đoàn, củng cố các Ban quản lý dự án để đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn vốn cho các dự án điện cấp bách, nhất là các dự án điện với mục tiêu bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam”.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, năm vừa rồi, doanh thu bán điện toàn EVN năm 2013 ước đạt 172.470 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến  31/12/2012 gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện hơn 4.700 tỷ đồng. Riêng sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 lãi khoảng 4.404 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phát biểu của mình, ông Đặng Hoàng Anh thừa nhận, EVN lãi là do tăng giá điện.

Liên quan tới vấn đề này, khi EVN tiếp tục đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1% cho năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thẳng thắn:  “1% là gì? 1% là không làm được gì cả. Chuẩn mực của thế giới là 7-12%, 7% đã là hết sức khó khăn trong chuyện giao tiếp với ngân hàng rồi”.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN cần thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn và quản trị doanh nghiệp theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Tập đoàn bền vững.

Tập đoàn và các Tổng công ty thực hiện phân tích kinh tế-tài chính trong giai đoạn 5-10 năm, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững; thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp với việc tiếp tục sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành, hoàn thiện quy chế cán bộ và tăng cường kiểm soát nội bộ, từng bước phát triển Tập đoàn, các Tổng công ty trong Tập đoàn thành các doanh nghiệp mạnh có tín nhiệm tài chính cao để có thể tự huy động vốn trên thị trường tài chính trong và ngoài nước mà không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ. Ưu tiên đầu tư cho phát triển lưới điện truyền tải, không để thiếu vốn cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT).

Trước đó, kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Thanh tra Chính phủ công bố đã chỉ rõ EVN có một số sai phạm về vấn đề quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo đó giá trị đầu tư ngoài ngành của EVN đã vượt hơn 45 nghìn tỷ so với vốn điều lệ, trái với quy định của Bộ Tài chính về việc đầu tư ra ngoài ngành chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo