Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giá điện có tăng phải ở mức thấp nhất
Cụ thể, vào ngày 13/10/2017, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá để đánh giá về kết quả thực hiện công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2017 và đề ra phương hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2017.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến thảo luận của thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm cho thấy về cơ bản lạm phát năm 2017 có nhiều khả năng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra ở mức dưới 4%.
Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá như áp lực tăng giá của một số mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời điểm cuối năm, nhu cầu hàng hóa gia tăng để sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết và tình hình phức tạp của thiên tai, thời tiết.
Do đó, công tác điều hành giá phải thận trọng, tính toán kịch bản cụ thể, chi tiết kiểm soát lạm phát bình quân ở mức dưới 4%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục thực hiện đưa giá các mặt hàng thiết yếu (y tế, giáo dục, điện) theo lộ trình giá thị trường.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tính toán điều hành tăng trưởng tín dụng theo khả năng hấp thụ của nền kinh tế để vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng không tạo lạm phát kỳ vọng cho năm 2018, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Căn cứ diễn biến lạm phát để nghiên cứu các giải pháp điều hành lãi suất huy động, nhất là lãi suất cho vay theo hướng bám sát diễn biến thị trường và hỗ trợ cho tăng trưởng, tranh thủ điều kiện thuận lợi để giảm lãi suất nếu có thể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản. Phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm, đường, muối nhằm ổn định thị trường nhất là trong thời điểm Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Cập nhật, đánh giá tình hình thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và tác động đến giá hàng nông sản do thiên tai, lũ lụt trong thời gian vừa qua báo cáo Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp phục vụ cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá.
Về giá điện: Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện trình Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể, đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.
Giá xăng dầu: Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ, sử dụng Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế: Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thành việc điều chỉnh mức giá ngay trong năm 2017 theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15 tháng 3 năm 2017 quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh trong một số trường hợp. Đồng thời, Bộ Y tế cần theo dõi, chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Đối với việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2018: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội và Bộ Tài chính thực hiện tính toán, báo cáo Chính phủ lộ trình điều chỉnh phù hợp và các giải pháp để bảo đảm khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá.
Giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT: Bộ Giao thông vận tải sớm tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để đàm phán, điều chỉnh giảm giá dịch vụ BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc và chủ trương ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu với mục tiêu giảm giá dịch vụ BOT đối với ít nhất 50% số trạm đã quyết toán trong năm 2017;
Giá thuốc chữa bệnh cho người: Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc đấu thầu tập trung, đẩy nhanh việc đàm phán giá thuốc đối với các loại thuốc biệt dược, các loại thuốc đã hết hạn hợp đồng; Bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2016 với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 – 15%.
Giá sữa cho trẻ em dưới 06 tuổi: Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác quản lý theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 và Thông tư số 08/2017/TT-BCT ngày 26 tháng 6 năm 2017 về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hướng dẫn các Sở, ngành tại địa phương tiếp nhận và giám sát việc kê khai giá sữa, không để xảy ra biến động bất thường trên thị trường nhất là dịp lễ, Tết.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng vào thời điểm cuối năm để có biện pháp quản lý phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ổn định cung cầu cát hiện nay tại thị trường phía Nam; sớm xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật cho việc sử dụng các vật liệu thay thế cát xây dựng nhằm đáp ứng cân bằng cung cầu trên thị trường cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024