Thị trường

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu giải pháp về TPP

"Tới đây, Thủ tướng Nhật sang Việt Nam, một trong các mục tiêu là vận động Việt Nam sớm phê chuẩn TPP, để các nước phê chuẩn, cùng gia tăng áp lực với Mỹ", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Hôm qua (21/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cho đến giờ khó có thể nói tương lai TPP thế nào. Ảnh Dân trí.

Cho ý kiến về báo cáo hội nhập kinh tế của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tỏ ra khá băn khoăn đối với số phận của hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

“Tôi thấy phân vân về TPP, giờ Chính phủ đánh giá vấn đề này thế nào vì trước đây trong quá trình hình thành hiệp định ta tham gia từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, tới giờ tổng thống mới của Mỹ tỏ quan điểm không ủng hộ. Tôi xem nhiều nước cũng lo lắng vấn đề này, họ nói Mỹ rút thì khó khăn. Vậy ta ảnh hưởng thế nào, phương hướng tới đây?” - ông Tỵ đặt câu hỏi. 

Trước băn khoăn của ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng nhận định, trong hội nhập kinh tế quốc tế, tính tích cực và chủ động của Việt Nam có mức độ, tới đây cần cố gắng hơn, lựa chọn xem mình tham gia cuộc chơi nào, một cách chủ động hơn, báo Dân trí đưa tin. 

Ông Huệ xác nhận: “Có nhiều ý kiến nói chúng ta đàm phán hội nhập quốc tế khá thành công, nhưng hội nhập trong nước chưa tương thích, tâm thế chuẩn bị hội nhập còn hạn chế nên cơ hội chưa khai thác hết, thách thức không vượt qua được, có khi thua ngay trên sân nhà, nên Chính phủ cần nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề này”.

Về TPP, Phó Thủ tướng trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: “Cho đến giờ khó có thể nói tương lai TPP thế nào. Sau 20/1/2017, khi Tổng thống mới của Mỹ nhậm chức mới có thể nói chính sách thương mại, đối ngoại của Mỹ ra sao. 

 

Còn hiện nay, Nhật Bản đã phê chuẩn Hiệp định. Tới đây, Thủ tướng Nhật sang Việt Nam, một trong các mục tiêu là vận động Việt Nam sớm phê chuẩn TPP, để các nước phê chuẩn, cùng gia tăng áp lực với  Mỹ”.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng khẳng định, dù có hay không có TPP, Chính phủ cũng đang rà soát lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vòng 3 – 5 năm tới, vì Hiệp định Việt Nam ký với EU (EVFTA) có nhiều tiêu chuẩn cũng tương đồng với TPP.

Nên đọc



Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Pháp luật TP. HCM, Dân trí)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo