Xã hội

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc chôn chất thải của Formosa

(DNVN) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc chôn lấp rác thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Hiệp Formosa Hà Tĩnh.

Gần đây một số báo nêu việc chôn lấp rác thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Hiệp Formosa Hà Tĩnh tại trang trại của Giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thông tin nêu trên. Trường hợp đúng sự thật phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.

Gần đây, dư luận đang rộ lên tin tức về một khối lượng chất thải rắn của Formosa bốc ra mùi hôi hắc, được chôn lấp tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty Môi trường - đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Khu vực rừng tràm nơi phát hiện 100 tấn chất thải tự chôn lấp của Formosa. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, ông Hòa lại khẳng định trang trại đó không phải của ông mà là của một người dân, xin chất thải về trồng cây. “Chất thải đó của Formosa đã có văn bản của Sở TN&MT giám định không gây hại và được phép tái sử dụng” - ông Hòa nói với báo chí.

Trong khi đó, giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh cho biết, cảnh sát môi trường đang thụ lý sự việc. Hiện Sở đã lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm, chứ trước đó chưa có bất cứ văn bản nào khẳng định đó là chất thải không gây hại như lời ông Hòa nói.

Chiều 12/7, Giám đốc Sở TN&MT cùng lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã vào hiện trường kiểm tra.

Tại trang trại của ông Hòa, lực lượng chức năng ghi nhận khu vực chôn cất khoảng gần 1.000m2. Các hố chôn chất thải Formosa đã được lực lượng chức năng đào lên lấy mẫu.

Sau đó, đoàn đã vào làm việc với tập đoàn Formosa để điều tra nguồn gốc chất thải cũng như sự hợp tác giữa Formosa với công ty Môi trường.

 

Công ty Formosa Hà Tĩnh hôm 30/6 đã thừa nhận là thủ phạm xả thải khiến cá biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt. Lãnh đạo công ty đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả, xử lý ô nhiễm, đồng thời đầu tư hoàn thiện hệ thống xả thải.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo