Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động
Đây là yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ đưa ra tại phiên họp thường kỳ quý III/2016 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra chiều 30/9.
Theo báo Chính Phủ, báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng khoảng 5,93%, trong đó quý III tăng 6,4%, tuy thấp hơn so với mức 6,87% của cùng kỳ năm 2015 nhưng đã tăng khá cao so với quý II và quý I/2016.
Những khu vực có tốc độ tăng trưởng đáng chú ý là nông-lâm nghiệp đã bắt đầu có tăng trưởng trở lại đạt 0,65% (trong khi đó 6 tháng đầu năm là -0,18%); khu vực nông nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, cùng kỳ tăng 9,72%, trong đó đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo là 11,2%, xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ là 9,1% (cùng kỳ là 10,1% và 9%); khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng là 6,66%, cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ. “Ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt khoảng từ 6,3-6,5%, nhưng khả năng cao là đạt 6,3%”, ông Thu cho hay.
Đồng tình với tính toán mức tăng GDP khó đạt kế hoạch, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng GDP của quý IV/2016 phải tăng 8,3% thì mới có thể đạt được mức tăng 6,5% cho cả năm, trong khi bình quân quý IV các năm trước chỉ tăng khoảng 5,6-7%.
Cũng theo ông Đào Quang Thu, lạm phát 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, diễn biến lạm phát cơ bản ổn định, tháng 9 so với cuối 2015 tăng 1,58%, cùng kỳ tăng 1,85% vẫn trong khoảng dao động hẹp. Thách thức điều hành tiền tệ cơ bản ổn định. Trong điều kiện lạm phát như vậy thì có dư địa điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ.
Về chính sách tiền tệ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 9 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11%, bằng mức tăng cùng kỳ 2015; tín dụng cho vay tiêu dùng tới hết tháng 8 đã tăng 29%. Theo Ngân hàng Nhà nước, chất lượng tín dụng đã được kiểm soát chặt và mở rộng tín dụng với bất động sản, cho vay trung, dài hạn.
Trước xu hướng tăng mạnh dư nợ vay trung, dài hạn, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã lưu ý các ngân hàng thương mại chủ động cân đối vốn để tránh rủi ro trong hoạt động.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã cung ứng lượng tiền lớn qua kênh thu mua ngoại tệ và không hút mạnh tiền về, để dư thừa thanh khoản hệ thống tương đối dồi dào giúp giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. "Khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn thanh khoản có thể vay trên thị trường liên ngân hàng, mà không cần phải vay tại thị trường 1 - huy động từ dân cư. Điều này đã giải tỏa tâm lý găm dữ, đầu cơ ngoại tệ và ổn định được mặt bằng lãi suất huy động, giảm áp lực tăng lãi vay...", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng bày tỏ đồng tình với kết quả điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ trong thời gian qua, cũng như sự phối hợp của hai chính sách này góp phần cho ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Các thành viên Hội đồng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư để đánh giá rõ hơn thực trạng nền kinh tế; các bộ, cơ quan của Chính phủ làm rõ hơn những nguyên nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua để có giải pháp cho nền kinh tế đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2016; có giải pháp nâng cao cầu nội địa và thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng hơn; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí trung gian cho doanh nghiệp.
Các thành viên cũng cho rằng nếu GDP của năm nay tăng từ 6,1- 6,3% cũng là cố gắng lớn trong bối cảnh điều kiện tài khóa, tiền tệ “chật chội” và đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm chất lượng của tăng trưởng kinh tế; tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, vừa giải quyết các tồn đọng hiện nay và vừa chuyển biến nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng tốt hơn, hướng nhiều tới “tương lai”, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng bày tỏ đồng tình với các ý kiến phát biểu của các thành viên và cho rằng cũng là mong muốn của Chính phủ trong quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng cũng đề nghị các thành viên tiếp tục bám sát diễn biến tình hình tài chính quốc tế để tiếp tục thảo luận, tham mưu với Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
Từ một số kiến nghị của các thành viên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng; rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển