Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều chỉnh hợp lý giá xăng, điện
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại văn bản này, trong quý I/2015, công tác quản lý, điều hành giá đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, quyết liệt và có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về quản lý, điều hành giá được tăng cường hơn trước; chính sách tài khóa và tiền tệ đã được triển khai phối hợp hiệu quả trong việc điều hành tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Qua đó đã góp phần ổn định thị trường giá cả trong quý I/2015, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi với sức mua tăng cao.
Về định hướng điều hành giá trong thời gian tới, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu cần kiên trì điều hành giá theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cơ chế giá cũng kiên trì theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Công tác quản lý, điều hành giá cần phải tiếp tục rút kinh nghiệm từ các bài học thực tiễn để nghiên cứu đề xuất các chính sách quản lý có tính dài hạn tuân theo các quy luật kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, hạn chế các thủ tục hành chính. Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương trong điều hành giá. Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Về công tác điều hành giá một số loại mặt hàng cụ thể, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Đối với xăng dầu: Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Công thương chủ trì xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu theo biến động tăng giảm của giá dầu thô, có tính đến tác động của biến động giá lên các chỉ số: chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng, thị trường… Đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá hợp lý, chia làm nhiều đợt, tránh điều chỉnh dồn vào một đợt hoặc điều chỉnh đồng thời với các mặt hàng khác để hạn chế tác động đến tâm lý người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng điện: Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục đánh giá và rút kinh nghiệm từ đợt điều chỉnh tăng giá điện thời gian qua, tính toán cụ thể tác động từ điều chỉnh giá điện lên chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Đối với dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực cảng biển Cái Mép-Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: trước mắt, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phương án tiếp tục áp dụng biện pháp bình ổn giá cho phù hợp.
Đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều hành giá dịch vụ y tế, giáo dục bám sát nguyên tắc thị trường, thúc đẩy đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước kết cấu đủ chi phí cung cấp dịch vụ với lộ trình thích hợp. Trong điều hành giá theo lộ trình, tránh điều chỉnh cục bộ vào từng thời điểm, cần tính đến diễn biến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và diễn biến thị trường để thực hiện một cách linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng loại hình đơn vị sự nghiệp công lập (chú ý giữa các bệnh viện, các cơ sở đào tạo với nhau, giữa trung ương và địa phương...
Về giá dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu xem xét cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng gắn thị trường sản xuất với thị trường tiêu thụ, có báo cáo đánh giá cụ thể tình hình diễn biến giá các mặt hàng nông lâm thủy sản và đề xuất giải pháp. Trước mắt, nghiên cứu lại đề án về giá lương thực và bổ sung cập nhật giải pháp mới, nếu khả thi thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động đưa thông tin chính xác, đầy đủ về công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá để tạo sự đồng thuận của người dân.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong quản lý, điều hành giá để áp dụng phù hợp với thực tế của Việt Nam. Tiếp tục xem xét hoàn thiện văn bản quy phạm phát luật, trong đó nghiên cứu chế tài phù hợp hơn để xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Quyết liệt và toàn diện hơn trong tái thiết, phục hồi sau thiên tai
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá nông sản ngày 24/12/2024: Cà phê giảm 500 đồng/kg, hồ tiêu đi xuống 1.000 đồng/kg