Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong các cơ quan chức năng thực thi
Thưa ông, câu chuyện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chúng ta đã làm và nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực trạng đáng buồn là nó vẫn tồn tại ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Được biết, mới đây Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định số 334 phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020. Liệu Quyết định số 334 có rơi vào tình trạng “Đánh trống bỏ dùi”?
Để triển khai và thực hiện tốt kế hoạch này, lấy lại niềm tin trong nhân dân, đảng ủy, lãnh đạo Cục QLTT đã trình ngay quyết định thành lập Tổ công tác để triển khai Quyết định số 334. Trọng tâm là phòng chống hàng giả. Qua đó, phối hợp, chỉ đạo, làm rõ, nhận diện, rút kinh nghiệm những vụ việc nổi cộm, bức xúc trong dư luận. Trong đó, chúng tôi tập trung vào 20 địa bàn trọng điểm. Cụ thể như: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tp. HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Long An và Đồng Tháp. Đặc biệt, chú trọng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM là trung tâm đầu mối của hàng giả, gian lận thương mại… bức xúc cả nước.
Chúng tôi xác định, tập trung trước vào những mặt hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng như thuốc giả, dược liệu giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng, thuốc BVTV, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp.
Với 20 địa bàn được xác định là trọng điểm ở các tỉnh như trên, liệu chúng ta có đủ sức triển khai ngay?
Chúng tôi sẽ triển khai ngay trong thứ Hai tuần tới và sẽ có nhiều hình thức. Trước tiên là triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chúng tôi sẽ mời đội chống hàng giả của Tp.Hà Nội đi cùng Tổ công tác. Bí mật vi hành để kiểm tra ngay những vùng trọng điểm, những siêu thị, lòng đường vỉa hè, những trung tâm thực phẩm, bán rượu, chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối để đánh giá khách quan, trung thực. Đi theo Tổ công tác có các phóng viên để nhận diện đánh giá một cách chính xác. Không tô hồng, bôi đen. Thấy gì sơ hở, thiếu sót phải khắc phục ngay. Đồng thời rút ra những kinh nghiệm. Nếu phát hiện ra đâu đó có hiện tượng bảo kê, bao che, tiếp tay cho tội phạm thì kiên quyết báo cáo các cấp lãnh đạo xử lý ngay. Đấy là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi.
Sau Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, Cục QLTT sẽ tiến hành phối hợp với QLTT các tỉnh. Trong đó, địa bàn 20 tỉnh là trọng điểm để thực hiện kiên quyết, triệt để QĐ số 334 của Bộ trưởng BCT Trần Tuấn Anh .
Trong năm 2018, có những vụ việc nào được xác định là trọng điểm sẽ đem ra xử lý?
Chúng tôi kiên quyết xử lý những vụ còn đang tồn đọng như vụ Công ty phân bón Thuận Phong. Vụ việc này, Phó Thủ tướng thường trực cũng như 6 bộ, ngành đã trả lời rõ, đủ căn cứ kết luận hàng giả phân bón. Phải lập lại quản lý thị trường về phân bón. Không để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng về phân bón gây bức xúc cho 60 triệu nông dân như hiện nay.
Một trong những vụ rất nghiêm trọng mà chúng tôi theo dõi để phối hợp xử lý là vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma. Vụ việc gây bức xúc dư luận vì liên quan đến thuốc chữa bệnh. Đồng thời, phối hợp với thanh tra chuyên ngành, sở y tế kiểm tra, kiểm soát, giám định chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ tại các quầy hàng, các cửa hàng dược. Qua đó phát hiện, ngăn chặn những sản phẩm giả, kém chất lượng đưa ra bán cho NTD. Lực lượng QLTT kiên quyết đấu tranh và phối hợp tốt với các lực lượng chức năng ngành y tế.
Tiếp theo, chúng tôi tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại về thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm đang được chào bán qua mạng. Đây là phương thức, âm mưu thủ đoạn mới của loại tội phạm này. Hiện nay, QLTT số 6 của Hà Nội phát hiện vụ Công ty TS sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng và mỹ phẩm với giá trị hàng hóa gần 11 tỷ đồng. Đã chuyển sang cơ quan điều tra theo dõi để đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Như ông đã nói, chúng ta có rất nhiều biện pháp phòng chống cùng sự vào cuộc nhiều cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng. Vậy tại sao tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí chưa được xử lý? Vậy đâu là mấu chốt của sự tồn tại này?
Trong cuộc họp tổng kết năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tôi rất tâm đắc và thấm thía kết luận của Trưởng Ban CĐ 389 quốc gia, UVBCT, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của những tồn tại trên được chỉ rõ. Trong 8 nhiệm vụ, thì nhiệm vụ thứ 7 được chúng tôi hết sức tập trung và phải làm cho tốt đó là: Phải củng cố kiện toàn các tổ chức, các lực lượng như 389, công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thuế, quản lý thị trường… Nhất là về công tác cán bộ. Công tác cán bộ phải là gốc của mọi vấn đề. Phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức công vụ, tác phong cho cán bộ công chức để nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho cán bộ công chức. Thực hiện đổi mới và phương thức tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ, bổ nhiệm cán bộ. Phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ đúng pháp luật. Trong đó, đồng chí cũng chỉ rõ: Phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tăng cường xử lý hành chính, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức. Kiên quyết không có vùng cấm trong phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phải phòng chống tội phạm trong chính cơ quan phòng chống tội phạm. Phải phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngay trong chính các cơ quan chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ông có lời khuyến cáo gì với các doanh nghiệp làm ăn chân chính trước thực trạng hiện nay?
Đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thương hiệu được NTD tín nhiệm, tôi có lời khuyến cáo. Ngoài việc quảng bá, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm thì hãy tự bảo vệ chính sản phẩm của mình bằng công tác đấu tranh chống hàng giả. Bằng cách có mẫu mã, tem nhận diện riêng và xây dựng một hệ thống đại lý bán hàng trên toàn quốc làm sao cho NTD dễ nhận biết. Đồng thời, phối hợp tốt với các lực lượng thực thi công vụ như QLTT, công an. Mong các doanh nghiệp đó đừng vì sợ sụt giảm uy tín mà khi phát hiện hàng giả không dám công khai trên báo đài cũng như phối hợp các lực lượng chức năng. Vì khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, doanh nghiệp sợ NTD nghĩ sản phẩm này hay bị làm giả. Việc doanh nghiệp bị làm hàng giả không phối hợp với các lực lượng thực thi công vụ cũng đang là một khó khăn trong công tác này.
Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi khuyến cáo đến NTD rằng, những doanh nghiệp nào kiên quyết công khai đấu tranh chống hàng giả thì đó là những doanh nghiệp có sản phẩm rất ưu tú.
Có phải ngoài phần sợ mất uy tín với NTD, doanh nghiệp còn có phần em ngại các lực lượng chức năng không nhiệt tình phối hợp hoặc gây khó dễ?
Một trong những khó khăn cho các lực lượng chức năng chống hàng giả, nhái, gian lận thương mại là thiếu kinh phí cho việc giám định chất lượng hàng hóa, kinh phí cho việc tiêu hủy. Ví dụ như phân bón, thuốc BVTV… phải tiêu hủy không phải nơi nào cũng tiêu hủy được. Đó là vấn đề nan giải. Đồng thời phải có cơ chế khen thưởng, động viên, khuyến khích các lực lượng. Hiện nay đây vẫn là vấn đề bất cập.
Để làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ông có kiến nghị gì ?
Cục QLTT có đề án đã được các bộ, ban, ngành đồng ý và đang trình Thủ tướng nâng cấp Cục QLTT thành Tổng Cục quản lý thị trường. Lúc đó sẽ làm tốt công tác chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương theo mô hình ngành dọc, dễ tập trung và thành lực lượng có sức mạnh hơn. Công tác chống tội phạm sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần phải chọn được người thủ lĩnh xứng tầm. Hình ảnh huấn luyện viên dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam là hình ảnh đắt giá về người lãnh đạo. Mong người dân ủng hộ công tác này như ủng hộ U23 chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được buôn lậu, hàng giả, nhái, gian lận thương mại. Tội phạm sẽ không còn đất sống.
Một trong những điều chúng tôi mong muốn là Chính phủ sớm phê chuẩn cho QLTT có được phụ cấp thâm niên như những ngành nghề khác như thuế, hải quan, y tế, lâm nghiệp... Không thì thiệt thòi cho lực lượng này. Vì đây là một trong những lực lượng chủ công trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, nhái, gian lận thương mại.
Ông có khuyến cáo gì cho NTD trong dịp tết Nguyên Đán 2018 không?
Trong dịp Tết Nguyên Đán, ngoài các kế hoạch chỉ đạo từ BCĐ 389 cũng như BCT, Cục QLTT đã trực tiếp ra ngay kế hoạch 1990 ngày 25/12/2017 gửi tất cả các Chị cục QLTT các tỉnh để mở đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018. Tập trung để mọi NTD có cái tết tươi vui đầm ấm, không để tình trạng đầu cơ, găm hàng tích trữ cũng như mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, tăng giá, hàng giả, nhái, kém chất lượng… Trong các mặt hàng thì bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm … rất dễ bị tổn thương.
Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các phương tiện truyền thông báo, đài để chuyển tải thông tin định hướng, dẫn dắt dư luận. Trong xác định mua hàng ở đâu, chúng tôi cũng chỉ đạo các Chi cục, các đơn vị nghiệp vụ cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền cho nhân dân. Tránh tình trạng mua hàng gian, giả cũng như kiểm tra kiểm soát các trung tâm, kho bãi, siêu thị, bến xe, bến tàu. Đấy là những nơi tích trữ đầu mối, những dấu hiệu tội phạm hay lợi dụng khu trú ở đấy.
Trân trọng cảm ơn ông! Chúc lực lượng quản lý thị trường một năm mới với những quyết tâm mới, đấu tranh kiên quyết chống tội phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ. Góp phần bảo vệ NTD, sản xuất trong nước cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.
End of content
Không có tin nào tiếp theo