Pháp luật

Phòng khám Đa khoa Thái Hà bị 'tố' nhiều sai phạm

Phòng khám Đa khoa Thái Hà được mệnh danh là “Phòng khám Trung Quốc”. Tuy nhiên, phòng khám này bị bệnh nhân “tố” có nhiều dấu hiệu bất thường trong công tác khám chữa bệnh.

Theo nội dung đơn thư phản ánh chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Tĩnh) gửi tới tòa soạn: “Ngày 26/2 vừa qua, tôi có đến Phòng khám đa khoa Thái Hà (địa chỉ số 11 Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) để làm thủ thuật phá thai. Tại đây, tôi được đưa vào phòng do một bác sỹ Trung Quốc trực tiếp thăm khám, có người phiên dịch là bác sỹ tên Huệ.

Sau khi thực hiện một số xét nghiệm, siêu âm, bác sỹ kết luận tôi đang mang thai 4 tuần và tư vấn dùng phương pháp hút thai không đau của phòng khám vì an toàn hơn phá thai bằng thuốc, đồng thời đưa ra các gói từ 2 đến 6 triệu đồng. Vì bác sỹ tư vấn gói đắt tiền sẽ an toàn hơn, hơn nữa không đau vì được gây mê toàn thân, tôi đồng ý thực hiện gói hút thai giá 6 triệu. Sau đó, tôi được đưa vào phòng thủ thuật, tiến hành gây mê bằng cách tiêm vào bàn tay và tiến hành hút thai. Chỉ sau vài giây tiêm thuốc, tôi lịm hẳn đi”.

Phòng khám Đa khoa Thái Hà, địa chỉ số 11 Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.

Theo lời chị Hoa: “Khoảng 2h sau, tôi tỉnh dậy trong trạng thái mệt mỏi rã rời, không thể ăn uống được, tay bị sưng phồng và đau đớn. Vì thấy việc khám chữa bệnh tại phòng khám này có nhiều dấu hiệu bất thường, tôi đã đến khám lại ở một phòng khám công lập. Tại đây, sau khi tham vấn ý kiến của các bác sỹ sản khoa, tôi nhận thấy những nghi ngờ của mình là có cơ sở.

Cụ thể, bác sỹ cho biết việc gây mê tĩnh mạch trong nạo hút thai là không cần thiết (bình thường chỉ sử dụng phương pháp gây tê cục bộ), và tuyệt đối bị cấm thực hiện ở các phòng khám tuyến dưới vì có khả năng biến chứng. Hơn nữa, bác sỹ cũng cho biết có nhiều bệnh nhân đến khám lại tại đây đã kêu ca về phòng khám Thái Hà vì giá cả “cắt cổ” và nhiều hệ luỵ đằng sau”.

Gây mê trái phép trong nạo hút thai?

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, PV đã vào cuộc điều tra và nhận thấy nội dung đơn thư là có cơ sở. Tại tầng 3, Phòng khám đa khoa Thái Hà, vị bác sỹ tên Huệ thừa nhận đơn vị có tiến hành thủ thuật gây mê tĩnh mạch trước khi hút thai.

“Làm kế hoạch xong có chút thuốc mê trong người nên chưa tỉnh táo đâu. Không sao đâu, ở đây nhiều người làm có trường hợp mệt quá nên nằm nghỉ lâu. Nói chung là an toàn, không sợ có biến chứng đâu. Thường thường hôm đầu tiên là sẽ rất mệt”, bác sỹ Huệ trấn an bệnh nhân.

 

Phác đồ điều trị do bác sỹ người Trung Quốc kê cho bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Thái Hà.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, sử dụng thuốc gây mê không thực sự an toàn như lời vị bác sỹ Huệ nói. Thuốc gây mê là thuốc có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương làm mất hoàn toàn ý thức, phản xạ, và mọi cảm giác của toàn thân. Khi gây mê người bệnh sẽ bất động, ngủ say không biết gì. Thuốc mê có 2 loại gồm: Dạng hít và dạng tiêm tĩnh mạch.

Hiện nay vẫn chưa có được một thuốc gây mê lý tưởng có đặc điểm: khởi phát tác dụng nhanh, êm dịu; khoảng cách an toàn (tức giữa liều điều trị và liều độc) rộng; không có tác dụng phụ ở liều điều trị. Tức là các thuốc gây mê được dùng hiện nay đều độc và có thể gây tác dụng phụ. Hầu hết có thể gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não. Một số thuốc có thể gây suy gan, suy thận. Sử dụng thuốc gây mê luôn luôn có nguy cơ bị tai biến cho nên phải sẵn có và đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu đối phó với trường hợp bị tai biến do thuốc và cả các tai biến khác xảy ra trong cuộc phẫu thuật. Đặc biệt sử dụng thuốc gây mê chỉ an toàn khi được tiến hành bởi bác sĩ được đào tạo một cách bài bản chuyên khoa gây mê hồi sức.

Nghiêm trọng hơn, theo Thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phương pháp gây mê tĩnh mạch trong nạo hút thai chỉ được phép thực hiện tại các bệnh viện tuyến 2 trở lên, nơi có đội ngũ bác sỹ lành nghề và đầy đủ các phương tiện kỹ thuật cần thiết. Như vậy, việc Phòng khám đa khoa Thái Hà sử dụng phương pháp này là hoàn toàn trái phép!?

Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với bác sỹ Cường, người phụ trách Phòng khám đa khoa Thái Hà.

Liên quan tới thông tin phòng khám đang sử dụng nhiều bác sĩ là người Trung Quốc tham gia vào việc hành nghề khám chữa bệnh, ông Cường cho biết: “Ở đây hiện có 4 bác sĩ Trung Quốc”. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận các chứng chỉ hành nghề của những bác sỹ Trung Quốc nêu trên thì vị này từ chối cung cấp.

 

Đối diện với thông tin phản ánh của bệnh nhân rằng Phòng khám đa khoa Thái Hà sử dụng biện pháp gây mê tĩnh mạch trái phép trong việc nạo hút thai, bác sỹ Cường nhanh chóng phủ nhận: “Ở đây bọn anh không gây tê tĩnh mạch đâu”, đồng thời đổ lỗi cho đơn vị quảng cáo: “Thôi chết rồi, chắc là cái bọn quảng cáo cho bọn anh rồi, bọn anh nhờ cái mạng nó quảng cáo. Cái đó để anh nghiên cứu lại xem sao đã”!?

Bệnh nhẹ nói thành bệnh nặng để trục lợi?

Ngoài những vấn đề nêu trên, PV cũng nêu câu hỏi với bác sĩ Cường – người phụ trách phòng khám đa khoa Thái Hà rằng, có nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về việc phòng khám cố tình nói nặng bệnh của bệnh nhân lên để “moi” tiền.

Ví dụ, có bạn đọc phản ánh đi hút thai từ dưới 4 tháng tuổi, dịch vụ bên ngoài chỉ khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, phòng khám lại đưa ra nhiều danh mục khiến chi phí lên tới 6 triệu đồng. Ngoài ra, đối với bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung ở nữ, có nhiều phản ánh bình thường chỉ mất 1-2 triệu đồng là khỏi nhưng bác sỹ tại phòng khám Thái Hà “dọa” bệnh rất nặng và đưa ra phác đồ điều trị kéo dài, khiến giá cả lên tới hàng chục triệu đồng.

Trước câu hỏi của PV, ông Cường thừa nhận đã có trường hợp đáng tiếc trong quá khứ: “Năm ngoái có con bé bị viêm lộ tuyến, nó đến mới chỉ có 1 ngày mà làm anh nhức hết cả đầu”. Nhắc lại việc đó, ông Cường cho biết: với bệnh đó phòng khám được thu mức 5 triệu đồng, thế nhưng thời điểm đó phòng khám đã thu cô gái này với giá 8 triệu đồng. Sau đó, phòng khám Đa khoa Thái Hà đã phải bồi thường cho cô gái này với một số tiền khá lớn.

 

Trong khi đó, thời gian gần đây, Sở Y tế bắt đầu đợt tổng kiểm tra các phòng khám có bác sĩ nước ngoài, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ các quy định về chuyên môn, phạm vi hành nghề. Theo đó, hiện có tổng cộng 53 phòng khám đa khoa, chuyên khoa có bác sĩ nước ngoài hành nghề trên địa bàn TP.Hà Nội. Sở Y tế sẽ tiến hành các cuộc thanh kiểm tra, chấn chỉnh lại hoạt động của các phòng khám này.

(*) Tên của bệnh nhân đã được thay đổi.

Nên đọc
Theo Tạp chí Thương trường
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo