Pháp luật

Phóng sinh: Phúc hay tội?

Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống nhưng nhiều sinh vật được “phóng” đã chết vì đuối sức, bị thương do bị bắt đi bán lại nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận

* TS Hoàng Kim Oanh, nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn:


Sự cầu phúc đau lòng
 
Nguồn cội xa xưa, phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi bình đẳng, mục đích là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh. Khi gặp một con vật bị nạn, chúng ta ra tay cứu thoát hoặc nhìn thấy một hay nhiều sinh vật sắp bị giết, chúng ta bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Điều đó hoàn toàn là chuyện làm phước cho chính sinh vật khốn khổ ấy, không phải vì lợi ích của bản thân.
 
Thế nhưng, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu ấy bây giờ đã không còn. Chim trên trời, cá dưới nước bị đánh bẫy, cắt bớt lông cánh, lông đuôi để không thể bay xa. Người mua chim phóng sinh xong, con nào còn sức thì chao cánh một chút rồi cũng trở về chốn cũ. Con nào kiệt sức thì ngả chết ngay ở cửa tự do. Người cầu phúc được phúc (như họ nghĩ), người bán vật cầu phúc được một món hời… Triết lý cứu chuộc trong công đức phóng sinh với việc sát hại chim muông hàng loạt làm sao đúng với tâm nguyện cao cả vị chúng sinh của nhà Phật? Làm sao tích công, tích đức cho bản thân và con cháu đời sau?
 
Tôi đã thử làm một cuộc khảo sát bỏ túi trên mạng xã hội Faceboook. Hầu như các ý kiến đều thống nhất: “Càng nhiều người phóng sinh thì càng nhiều con chim, ba ba, cá… chết”.
 
Nhà văn Nguyễn Đặng Mừng bùi ngùi: “Tuổi thơ của chúng mình đã từng tham gia phóng sinh…, sao mà xúc động đến thế. Những con cá lia thia tự mình bắt, cho vào chai thủy tinh, nuôi chừng vài tuần. Đến rằm tháng 7, chị em cùng nhau ra hồ sen thả, rồi mơ màng nghe hạnh phúc của cá được về với thiên nhiên, lan vào cả giấc ngủ. Nay thấy công nghiệp phóng sinh mà rờn rợn sự chết chóc, tang thương của cá, chim và ác tâm của loài người. Buồn ơi!”.
 
Dịch giả Tiết Hùng Thái xót xa: “Trong hiện tượng phóng sinh chim, cá…, ta thấy tất cả sự ngu muội, gian dối và độc ác của con người, dưới vỏ bọc “niềm tin”!
 
Bạn Mai Nguyen ở Boston - Mỹ cũng đồng cảm: “Chim lồng cá chậu” sao bằng “chim trời cá nước”! Huống chi là chim bị bắt nhốt cả trăm con trong một chiếc lồng bé xíu, chờ người mua mang phóng sinh. Người phóng sinh có công đức của việc phóng sinh. Kẻ bắt giết có tội lỗi của người bắt giết.... Đó là kiểu lý luận “sống chết mặc bây” mà không nhìn thấy sự liên đới chặt chẽ giữa hai sự việc ấy. Chỉ vì ham muốn phóng sinh mà ta đã lập một con đường tạo nghiệp ác cho người khác”.
 
Thiết nghĩ, nên có một cuộc vận động rộng rãi từ chính các vị cao tăng, thuyết giảng cho phật tử và dân chúng hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và cách thức phóng sinh. Phải thay đổi căn bản nhận thức của mọi tầng lớp. Đã đến lúc không thể thả nổi chuyện cầu phúc đau lòng này…
 
 

Mở cửa lồng chim để phóng sinh Ảnh: Lê Phong

 

* Ông Trần Hoàng Sơn  - Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở quận 10, TP HCM:
 
Quá nhẫn tâm!
 
Ngày 5-3, đọc tin ảnh: “Chim chết la liệt trong ngày phóng sinh” trên Báo Người Lao Động Online, nhìn hình ảnh những chú chim tội nghiệp bị nhét chen chúc trong lồng, xác chim nằm la liệt trên thảm cỏ, gốc cây, tôi thật sự phẫn nộ.
 
Ngày xưa, tôi được bà và mẹ kể về ý nghĩa của việc phóng sinh rất khác. Người ta bẫy chim, bắt cá để ăn hoặc bán là vì cuộc sống và mưu sinh. Nếu chúng ta vô tình nhìn thấy, muốn giải thoát cho những sinh vật này thì mua lại rồi thả. Đó gọi là phóng sinh.
 
Bây giờ, tại các lễ hội, người ta tranh nhau bắt lại chim, vớt lại cá phóng sinh để bán kiếm lời, thậm chí dùng chất gây nghiện để chim không thể bay xa, dù được thả ra cũng sẽ bị bắt về, bán lại. Cái vòng luẩn quẩn: bắt - bán - phóng sinh - bắt... khiến những chú chim đáng thương không bay nổi, bị thương rồi chết vì đuối sức. Hành động đó chẳng khác gì cho chúng hy vọng sống rồi thô bạo bóp chết. Thật quá nhẫn tâm!
 
Có cung ắt có cầu. Nếu không có người mua, sẽ không có những kẻ nhẫn tâm bắt chim, cá về bán rồi lại bắt. Người phóng sinh dù có ý tốt nhưng chẳng khác nào tiếp tay cho cái ác, xúi giục người khác bắt, hành hạ những sinh vật đó. Đó là chưa nói đến việc thả - bắt chim phóng sinh rất dễ lây lan, phát tán mầm bệnh cúm gia cầm.
 
Thực tế, nhiều người đã bỏ tiền triệu để đến đền, chùa mua chim phóng sinh nhưng cũng chính họ sẵn sàng nghĩ ra nhiều món ăn chơi để sát hại đủ loại sinh vật. Cũng có nhiều người thay vì dùng tiền mua cá, mua chim phóng sinh đã âm thầm giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bệnh tật vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo; bỏ thời gian, công sức đến chăm sóc những cụ già neo đơn, trẻ mồ côi… Vậy hành động nào mới đúng là làm phúc, thực hiện cái tâm thiện?  
 
Theo Người Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo