Xã hội

Phụ huynh lơ là, tai nạn giao thông “rình rập” con trẻ

Nhiều bậc phụ huynh khi đón con đi học về đều trong cảnh chỉ chờ thấy các bé lên xe là nhanh chóng phóng thẳng, mà quên mất rằng các em cũng chính là một trong những người tham gia giao thông cần phải đội mũ bảo hiểm.

(Vietnam+) Ngày nào cũng vậy, quanh nhiều cổng trường mầm non, tiểu học, trung học ở khu vực Hà Nội như Trường Tiểu học Tân Mai, tiểu học Phương Liệt, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân… cảnh tượng phụ huynh đứng chờ đón con đông nghìn nghịt.

Khi tiếng trống trường điểm tan, có khá nhiều "cậu ấm cô chiêu" leo vội lên xe, còn các bậc phụ huynh cũng vì vội mà “quên” mất việc đội mũ bảo hiểm cho con.

“Quên” hay “quen?”

Chị Huyền (Trương Định, Hai Bà Trưng) đứng đợi con ở cổng trường tiểu học Phương Liệt, khi vừa thấy hai con dắt nhau ra, chị đã vội vã giục: “Các con nhanh lên xe để về không tắc đường nào.”

Sau đó, chị Huyền đưa nhanh tay đội chiếc mũ áo khoác lên cho con, trong chớp nhoáng, xe chị đã hòa vào dòng người tấp nập.

Tại nhiều cổng trường khác, nhiều bậc phụ huynh khi đón con đi học về đều trong cảnh chỉ chờ thấy các bé lên xe là nhanh chóng phóng thẳng, mà quên mất rằng các em cũng chính là một trong những người tham gia giao thông cần phải đội mũ bảo hiểm.

Cả trên nhiều con đường, có không ít các bậc phụ huynh tỏ ra thờ ơ với việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ.
Những vị phụ huynh này vẫn thường “ngụy biện” cho việc không đội mũ bảo hiểm cho các bé với rất nhiều lý do khác nhau.


Anh Giảng, một kỹ sư xây dựng (ở Cổ Nhuế, Từ Liêm) đang chờ đón con trước cổng trường tiểu học Đông Ngạc B, Từ Liêm chia sẻ: “Nhà mình cách trường có gần 2km. Đi một đoạn ngắn như vậy có ai bắt bớ hỏi phạt mấy cháu bé ngồi xe không mang mũ đâu. Hơn nữa đội mũ vào nặng khó chịu, có đội chúng cũng đòi lột ra, nên về sau mình cũng quen không mang mũ nữa.”

Chị Ngọc Nga (ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy) phân trần: “Mình cứ đi cẩn thận thì không lo có vấn đề gì” hay “cứ tiện đường đi làm về nên ghé đón con nên nhiều hôm quên mang thêm mũ cho các bé…”

 

 



Cảnh nhiều bậc phụ huynh đội mũ bảo hiểm trong khi trẻ nhỏ để đầu trần khi

tham gia giao thông khá phổ biến. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

 

Nguy cơ hiển hiện

Theo thống kê của ngành y tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với hậu quả vô cùng thương tâm mà nạn nhân trẻ em thường là bị tử vong ngay tại chỗ hoặc mang thương tích nặng.

Đề cập đến vấn đề tai nạn giao thông đối với trẻ em,
điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh - Khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: "Tại Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ trẻ em phải nhập viện do tại nạn giao thông không ít; trong số đó có nhiều em nhỏ bị chấn thương sọ não nặng do xương sọ vốn dĩ mềm và yếu. Chẳng hạn như, cùng một vụ tai nạn xảy ra với trẻ em và người lớn. Khi trẻ nhỏ bị cùng chấn thương đó thì khó phục hồi và tỷ lệ tử vong cao hơn so với người lớn".

Ngày 14/3 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo hiện trạng an toàn giao thông đường bộ toàn cầu, trong đó có thống kê về Việt Nam.

Tiến sỹ Takeshi Kasai - đại diện WHO tại Việt Nam nhận định: Mặc dù Việt Nam đã được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm xe máy bắt buộc, với tỷ lệ duy trì ở mức hơn 90% kể từ năm 2007, nhưng những thách thức vẫn còn đó khi có tới 60% trẻ em hàng ngày không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trong khi đó theo quy định, bắt buộc trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm.

"Với hàng triệu trẻ em đi lại bằng xe máy mỗi ngày, phần lớn các em vẫn phải đối mặt với nguy cơ cao bị chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong," ông Takeshi Kasai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều bậc phụ huynh đưa ra lý do như anh Giảng khi cho rằng: “Vì các cháu còn bé, xương yếu nếu đội mũ nặng sẽ khó chịu và sợ ảnh hưởng đến não bộ, nên ngần ngại việc đội mũ cho các con.”

Bác bỏ quan niệm sai lầm này, ông Vinh khẳng định: Đối với trẻ nhỏ, việc đội mũ bảo hiểm không những không ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, mà còn có tác dụng bảo vệ rất tốt. Đặc biệt trong những ngày lạnh giá, khi trẻ nhỏ đội mũ bảo hiểm, lớp xốp sẽ làm ấm và mùa hè chúng còn có tác dụng thấm hút mồ hôi.

Vì vậy, ông Vinh khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ nhỏ ý thức tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm như một chuyện đương nhiên. Để trẻ tự có ý thức bảo vệ cơ thể ngay từ bé và mỗi khi tham gia giao thông đồng thời trẻ sẽ có thói quen tự bảo vệ bản thân mình hơn.”

Cùng quan điểm này, bà Lưu Thị Bích Hằng, Phó phòng Giáo dục quận Long Biên cho biết, vấn đề an toàn giao thông từ lâu đã trở thành một nội dung tuyên truyền của ngành giáo dục. Trong những năm qua, Sở Giáo dục đã triển khai các chương trình tập huấn và phổ biến các chương trình nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đến các em học sinh cũng như các phụ huynh.

Hiện nay, trên lớp học các em vẫn được tuyên truyền và phổ biến về việc giữ an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, những thói quen hay quan niệm của chính các bậc phụ huynh lại đi ngược với những kiến thức lý thuyết, nên vô hình chung các em nhỏ cũng quên mất ý thức bảo vệ mình khi tham gia giao thông hằng ngày.

Nên chăng, nhiều bậc phụ huynh khi đưa đón con em đến trường cần chấp hành đúng những quy định về an toàn giao thông để những “mầm non” tương lai của đất nước luôn được bảo vệ an toàn.

 

 

Đoàn Vân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo