Xã hội

Phụ nữ được “bồi thường tuổi xuân” khi ly hôn?

Để bù đắp cho một phần tuổi thanh xuân mà phụ nữ không bao giờ lấy lại được, khi ly hôn, người vợ cần được chia một phần tài sản dù tài sản đó được gây dựng trên cơ sở hỗ trợ của gia đình nhà chồng hoặc chỉ do người chồng làm ra...

(vnmedia) Không ai đi lấy chồng lại muốn có ngày ly hôn để được bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều phụ nữ mặc dù hết lòng với chồng gia đình nhà chồng trong nhiều năm nhưng khi ly hôn, họ đã phải ra đi tay trắng, thậm chí là không được nuôi con vì không có tài sản.

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Phú Xuyên, Hà Nội), chị đang ở trong một tình trạng “cực kỳ tồi tệ” khi tay trắng về nhà mẹ đẻ sau nhiều năm dốc toàn tâm toàn lực cho gia đình nhà chồng. Trước khi nghỉ hẳn ở nhà làm vợ hiền dâu thảo theo đề nghị của nhà chồng, chị Oanh từng công tác tại một cơ quan nhà nước. Điều bất công hơn với chị Oanh, đó là khi ly hôn, chồng chị đã cố chứng minh trước tòa là chị Oanh không có nhà cửa, không có công việc nên không thể nuôi được con, mặc dù chúng còn nhỏ.

Câu chuyện trên chỉ là một trong số những biểu hiện của bất bình đẳng giới mà phụ nữ gặp phải khi ly hôn.

Kết quả Điều tra lao động 2009 cho thấy thu nhập bình quân của lao động nữ chỉ bằng 75% nam giới. Theo điều tra mức sống hộ gia đình 2008, mặc dù 61% doanh nghiệp hộ gia đình phi nông nghiệp do phụ nữ điều hành, nhưng doanh thu trung bình hàng tháng chỉ bằng 30 - 50% so với doanh nghiệp do nam giới điều hành. Việc tài sản, thu nhập của phụ nữ nhìn chung thấp hơn so với nam giới đã tác động không nhỏ tới tiếng nói của họ trong gia đình và không ít người đã bị mất quyền nuôi con, nơi cư trú… thậm chí trắng tay khi gia đình ly tán.

Theo phân tích của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, do độ dài tuổi sinh lý của phụ nữ ngắn hơn nam giới và sự thay đổi tâm sinh lý sau khi có con chỉ diễn ra đối với riêng phụ nữ nên thực tế đã chứng minh rằng, bất luận hôn nhân tồn tại ngắn hay dài, khi ly hôn, bất lợi luôn nghiêng về phụ nữ, nhất là những người đã có con.

Theo đó, khả năng và cơ hội tái hôn của phụ nữ sau ly hôn thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Nếu có tái hôn, phụ nữ cũng gặp trắc trở trong cuộc sống dẫn đến nhiều hệ lụy cho bản thân và con (đặc biệt là con gái) là chủ yếu và nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, do tuổi tác và những yếu tố môi trường xã hội tác động, cơ hội sinh con với người chồng mới của phụ nữ sau ly hôn trong nhiều trường hợp là không có…

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, khi ly hôn, người phụ nữ cần phải được chia một phần tài sản dù tài sản đó được gây dựng trên cơ sở hỗ trợ của gia đình nhà chồng hoặc chỉ do người chồng làm ra.

“Nếu cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại và người phụ nữ được chia một nửa hoặc một phần tài sản từ điều kiện sống của gia đình mà điểm xuất phát của tài sản này chỉ do 1 bên gia đình chồng hỗ trợ hoặc là tài sản của 1 mình chồng làm được (lẽ ra phải coi là tài sản riêng) cũng chỉ là một phần bù đắp cho tuổi thanh xuân mà phụ nữ không bao giờ lấy lại được” - đây là ý kiến của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về những quy định liên quan đến việc ly hôn.

Đơn vị này cũng đề xuất, trong trường hợp ngược lại, tài sản là của riêng gia đình hoặc bản thân người vợ thì cần có những quy định hợp lý quan tâm nhiều đến quyền lợi của đứa con.

“Quy định này không phân biệt đối xử với nam giới mà hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ với tư cách là người mẹ đã được xác định trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong Luật Bình đẳng giới” - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khẳng định.

Theo đơn vị này, thực tế đã có một số Tòa án nhận được đơn đề nghị bồi thường tuổi xuân của phụ nữ khi ly hôn nhưng lúng túng vì không biết phải xử lý như thế nào. Vì vậy, nếu Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quan tâm điều chỉnh vấn đề điều kiện sống của gia đình sẽ là cơ sở pháp lý để Tòa án bảo vệ lợi ích cho phụ nữ và trẻ em một cách tốt nhất.

 

 

Trần Anh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo