Xã hội

Phụ nữ Việt vẫn gặp nhiều rào cản trong bình đẳng giới

Về mặt pháp luật thì không có phân biệt gì giữa nam và nữ, tuy nhiên cơ hội để thực hiện bình đẳng giới đến với phụ nữ rất ít.

Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong những năm qua ở khu vực Đông Nam Á; chỉ số bất bình đẳng giới đứng thứ 48/187 quốc gia và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Có được kết quả này là nhờ Đảng và Nhà nước đã và đang quyết tâm thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất thông qua việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tăng cường công tác lồng ghép giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.

Tuy nhiên, trên thực tế những khoảng cách về giới vẫn là rào cản đối với phụ nữ Việt. Nhân kỷ niệm 103 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, PV đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam về nội dung này.

Thưa bà, phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn gặp phải những rào cản gì trong bình đẳng giới?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Lớn nhất hiện nay chính là định kiến về vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội. Về mặt văn bản pháp luật thì không có phân biệt gì giữa nam và nữ. Tuy nhiên, cơ hội để thực hiện bình đẳng ấy đến với phụ nữ rất ít.

Có thể nói chúng ta là một nước cũng được đánh giá rất cao về bình đẳng giới. Ví dụ, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội của chúng ta cũng là một nước đứng ở vị trí rất cao trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong khu vực về bình đẳng giới chúng ta chỉ sau Malaysia và Singapore. Thế nhưng, điều mà chúng tôi còn băn khoăn, trăn trở là tỷ lệ nữ tham gia quản lý lãnh đạo ở các cấp chưa thật cao. Chúng ta mừng là nữ cấp ủy cấp xã, cấp huyện đều có tăng, nhưng ở cấp tỉnh, cấp trung ương còn giữ ở mức khiêm tốn.

Có một vài nguyên nhân, trong đó thực sự chúng ta còn thiếu nguồn cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ để giới thiệu bồi dưỡng để mà trở thành nguồn cán bộ nữ tiềm năng, mà một trong những nguyên nhân thiếu nguồn cán bộ nữ chúng tôi cho rằng tuổi nghỉ hưu của chị em bị hạn chế về hưu ở tuổi 55.

Vậy vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham mưu với Đảng, Nhà nước trong hoạch định các chính sách như thế nào để Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho chị em ngày càng có nhiều đóng góp cho xã hội?.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Chúng tôi hết sức quan tâm tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, tạo cơ hội cho chị em, phải có chính sách đặc thù. Làm sao có thể cho những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp đại học xong, nếu được thì cho các em đi đào tạo trình độ cao luôn để đến khi có gia đình thì các em đã được trình độ cao rồi. Rồi với phụ nữ dân tộc thiểu số cũng phải có chính sách nào thì chị em mới có thể có điều kiện, cơ hội đi học nâng cao trình độ để chúng ta bổ sung vào nguồn cán bộ nữ.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết XI về công tác phụ nữ thì chúng tôi cũng thấy Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng ra một kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết này và giao cho Hội liên hiệp phụ nữ tiếp tục làm tốt vai trò nòng cốt, làm sao để mà phát hiện và giới thiệu được các chị em có tiềm năng để mà giới thiệu với Đảng Nhà nước để tham gia quản lý.

Thứ 2 là mình cũng phải tổ chức nhiều hoạt động rồi có các giải thưởng để mà động viên tôn vinh chị em. Ví dụ ngày 4/3 này, chúng tôi tổ chức trao giải thưởng Côvalépxcaia cho các nhà khoa học. Lần này là lần đầu tiên chúng tôi trao bằng khen cho các chị hoàn thành luận án tiến sỹ trong 2 năm 2011-2012 thì có hơn 50 chị. Rồi có hoạt động để tạo điều kiện để chị em giảm nhẹ lao động gia đình.

Vâng, xin cảm ơn bà.

 

 

Thảo Nguyên (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo