Pháp luật

Phú Quốc, Kiên Giang: Một nhà giáo phát tín hiệu cầu cứu

Nhà giáo Nguyễn Công Cầm, 60 tuổi, người đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo trao tặng Huy chương “vì sự nghiệp giáo dục” vào năm 2002. Ông cũng là một trong những thế hệ nhà giáo sinh ra và lớn lên trên đất Bắc có mặt rất sớm ở đảo Phú Quốc từ thuở còn hoang sơ (năm 1980)… Vậy mà chỉ vì phản ứng với hành vi bất chấp pháp luật của Công ty TNHH Mặt Trời khi doanh nghiệp này tiến hành cào xới đất, xây dựng trên phần đất của mình đã được TAND huyện Phú Quốc thụ lý giải quyết và ban hành Quyết định đình chỉ cưỡng chế trước đó của UBND huyện Phú Quốc, ông Nguyễn Công Cầm đã phải mang bản án 09 tháng tù giam. Điều đáng nói là Người ký quyết định cưỡng chế cũng từng là học trò của thầy giáo Nguyễn Công Cầm.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh doanh & Pháp luật, thầy giáo Nguyễn Công Cầm cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Vinh, ở tuổi 24, ông rời Nghệ An, đi theo chủ trương khai phá các vùng kinh tế mới. Ông đã đến với quê hương Phú Quốc từ năm 1980, lúc đầu giảng dạy ở Trường PTTH Dương Đông (Phú Quốc). Đến những năm cuối thập niên 90 thì được nhận công tác ở trường PTT An Thới - Thị trấn An Thới và mới đây đến tuổi nghỉ hưu, ông được nghỉ hưu theo chế độ.

Thầy giáo Nguyễn Công Cẩm ôm hồ sơ kêu oan, dù đang mắc nhiều chứng bệnh hiểm nghèo.

Với hơn 35 năm gắn bó với nghề giáo, đóng góp cho sự nghiệp “trăm năm trồng người” ở xứ đảo, thầy giáo Nguyễn Công Cầm là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học sinh ở huyện Phú Quốc hiện nay trong số học trò cũ của thầy Nguyễn Công Cầm có không ít người nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương… Tiếp xúc PV, một số học trò cũ của thầy Nguyễn Công Cầm, bức xúc nói: “Thầy Cầm là người có nhiều đóng góp với ngành giáo dục của huyện Phú Quốc. Vì sao khi thầy ra ngăn cản, yêu cầu Công ty TNHH Mặt Trời nghiêm túc chấp hành quyết định đình chỉ cưỡng chế của TAND huyện Phú Quốc, chẳng những người của Công ty TNHH Mặt Trời không chấp hành, mà còn ngang nhiên đào xới trên đất của thầy. Thầy Cầm điện thoại đến Chủ tịch Thị trấn An Thới rồi cả Trưởng Công An Thị trấn An Thới, ai cũng nói là bận họp, không đến giải quyết được. Vì quá bức xúc trước thái độ xem thường pháp luật của nhân viên Công ty TNHH Mặt Trời, thầy Cầm cầm cây đập bể kính xe ủi đất thì lập tức cán bộ UBND Thị trấn An Thới, trong đó có cả CA Thị trấn trấn An Thới có mặt ghi nhận vụ việc và khởi tố vụ án đối với hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Thật là lạ, đất, nhà cửa của mình bị người khác xâm hại, dù đã có quyết định đình chỉ của tòa án, mình can ngăn không được, chẳng lẽ phải năn nỉ, hay lấy trà, bày tiệc rượu cho người xâm hại tài sản của mình ăn uống để họ không đào xới, đập phá nữa?”.

Lời nói của những học trò cũ của thầy Nguyễn Công Cầm thật xót xa, thể hiện rõ việc bảo vệ tính nghiêm minh của quyết định do tòa án ban hành mà thầy Nguyễn Công Cầm thực hiện, yêu cầu Công ty TNHH Mặt Trời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý với tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản”???

Quyết định đình chỉ của TAND huyện Phú Quốc ngày 17.7.2015.

Trao đổi với PV bằng ánh mắt buồn bã, thầy Nguyễn Công Cầm khẳng khái nói: “Ngày 30.6.2015 UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi toàn bô diện tích đất mà gia đình tôi đang canh tác để giao cho… Công ty TNHH Mặt Trời tiến hành xây dựng. Không đồng ý với nội dung quyết định cưỡng chế cũng như quyết định thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc, ngày 09.7.2015 theo sự ủy quyền của ông Nguyễn Văn Thống, tôi đã khởi kiện đến TAND huyện Phú Quốc, được TAND huyện Phú Quốc thụ lý vụ án vào ngày 15.7.2015 và đến ngày 17.7.2015, TAND huyện Phú Quốc ban hành “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, đình chỉ thi hành quyết định cưỡng chế ngày 30.6.2015 của UBND huyện Phú Quốc đối với diện tích đất đang được tòa án giải quyết…”

Theo hồ sơ PV có được, đến ngày 21.7.2015, Công ty TNHH Mặt Trời vẫn cho người tiến hành san ủi đất, thầy Nguyễn Công Cầm mới đến để yêu cầu nhân viên Công ty TNHH Mặt Trời nghiêm túc thi hành quyết định đình chỉ cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Phú Quốc, nhưng họ vẫn dửng dung, xem như có gì xảy ra. Quá bức xúc thầy Nguyễn Công Cầm mới lấy cây đập vào kính xe, bị bể kính, rồi họ có quay cả video yêu cầu công an xử lý thầy Cầm. “Tôi đến với mục đích yêu cầu họ nghiêm túc chờ đợi sự phán quyết của tòa án và bảo vệ tính nghiêm minh của quyết định cưỡng chế của tòa án có hiệu lực pháp luật từ ngày 17.7.2915, nhưng họ vẫn đào xới, thách thức tôi thưa kiện, ai mà không nóng giận…”. Thầy Nguyễn Công Cầm nói tiếp.

Qua hồ sơ vụ việc, PV nhận thấy ngày 03.4.2014, UBND huyện Phú Quốc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch phức hợp sinh thái Bãi Khem với quy mô 1.793.600m2 đất, trong đó có toàn bộ diện tích đất gia đình ông Nguyễn Văn Thống đang sử dụng ổn định (về sau ủy quyền cho ông Nguyễn Công Cầm toàn quyền sử dụng)… Chẳng biết dựa vào cơ sở pháp lý nào, ngày 24.4.2014 Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc cấp phép xây dựng các công trình thuộc dự án trên cho Công ty TNHH Mặt Trời - Phú Quốc, dù chưa có quyết định thu hồi đất, cũng chưa công bố phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, trong đó có gia đình ông Nguyễn Công Cẩm… Đến ngày 27.6.2014, UBND huyện Phú Quốc mới ban hành Quyết định thu hồi đất. Mặt khác, UBND huyện Phú Quốc không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định và công bố kết quả đối thoại bằng văn bản, thì đến ngày 30.6.2015 UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi toàn bô diện tích đất mà gia đình ông Cầm đang canh tác để giao cho… Công ty TNHH Mặt Trời tiến hành xây dựng.

 

Với diễn biến vụ việc nêu trên, có thể thấy rõ việc hành xử của chính quyền đối với gia đình ông Nguyễn Công Cầm, một nhà giáo với hơn 35 năm gắn bó với quê hương Phú Quốc có quá nhiều khuất tất, làm ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta ta gầy dựng biết bao đời nay. 

Nên đọc
Theo Kinh doanh và pháp luật
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo