Môi trường

Phú Thọ: Báo động tình trạng chảy máu tài nguyên

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã bắt và thu giữ hàng chục vụ khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong đó có những vụ điển hình tang vật bị bắt và thu giữ lên đến cả nghìn tấn quặng. Câu hỏi đặt ra là phải chăng công tác cấp phép và quản lý khoáng sản của địa phương thực sự có vấn đề khi Phú Thọ là một điểm rất nóng về khai thác trái phép khoáng sản với những lùm xùm liên quan đến khai thác cát sỏi lòng sông Lô thời gian vừa qua?

Liên tiếp phát hiện khai thác trái phép

Huyện Thanh Sơn là một trong những địa bàn tập trung khá nhiều các loại mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Không nhiều mỏ có trữ lượng lớn nổi tiếng nhưng lượng khoáng sản nằm rải rác trên địa bàn huyện được đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ là khá nhiều và cũng là địa bàn xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản rất “nóng”. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2013 đến nay, Công an huyện Thanh Sơn đã phát hiện và xử lý 16 vụ việc với 24 đối tượng liên quan đến khai thác trái phép khoáng sản. Chỉ trong ít ngày đầu tháng 9 vừa qua, liên tiếp những vụ liên quan đến khai thác trái phép khoáng sản lớn bị phát hiện và bắt giữ.
 
Điển hình nhất có thể kể đến như: ngày 3/9, nhận được tin báo khu vực đồi Hang Tăng thuộc xóm Hắm, xã Khả Cửu đang có hành vi khai thác trái phép khoáng sản và có dấu hiệu nổ mìn. Ngay lập tức, Công an huyện Thanh Sơn đã phối hợp cùng Công an tỉnh Phú Thọ tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện và tạm giữ 310m3 khoáng sản có màu đen xám, 2 máy xúc đào KOMASU P400 và DOOSAN, 1 máy nén hơi, 8 mũi khoan, cùng một số đoạn dây diện nhỏ đứt rời.
 
Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện đang rất nóng.
 
Chỉ ít ngày sau đó, sáng 12/9, Công an huyện Thanh Sơn phối hợp cùng Phòng TNMT huyện và UBND xã Thạch Khoán kiểm tra tại khu Dộc Cày, xã Thạch Khoán phát hiện 1 máy xúc đào nhãn hiệu KOBELKO ACERA SK200 đang đào xúc quặng cao lanh lên 3 xe ôtô với số lượng lớn. Tiến hành kiểm tra, các đối tượng trên không xuất trình được bất kỳ một giấy tờ gì liên quan đến hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản. Xác định đây là trường hợp khai thác trái phép, tổ công tác đã lập biên bản yêu cầu các đối tượng điều khiển phương tiện liên quan về Công an huyện Thanh Sơn để tiếp tục làm việc. Theo thống kê của Công an huyện Thanh Sơn thì các loại quặng bị khai thác trái phép chủ yếu là: quặng sắt, cao lanh, quặng Tacl… Trong rất nhiều vụ việc bị phát hiện, bắt giữ đều có các tang vật là các loại máy múc, máy xúc đào, xe vận tải nhiều loại kích cỡ.
 
Quản lý khó khăn?!
 
Theo số liệu của chỉ riêng Công an huyện Thanh Sơn, tính từ đầu năm đến nay, tổng số lượng các loại quặng bị phát hiện bắt giữ đã lên đến hàng nghìn tấn. Trung tá Đỗ Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Thanh Sơn cho biết, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các vụ việc đều rải rác ở vùng sâu, vùng xa nên rất khó phát hiện và xử lý. Nhiều trường hợp phát hiện trên khu vực đất ở, đất canh tác nhà mình có khoáng sản, các hộ dân liền xin phép cải tạo ao vườn, sau đó móc nối với các đối tượng khác tiến hành khai thác trái phép. Những trường hợp này là khó phát hiện nhất bởi có sự thông đồng giữa người dân và các đối tượng bên ngoài. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng từ địa bàn huyện Thanh Sơn đi sang huyện Thanh Thủy đã có 16 con đường lưu thông khác nhau và còn hàng chục con đường để đi sang các huyện, các tỉnh khác nên việc phát hiện, bắt giữ là vô cùng khó khăn.
 
“Thực hiện chỉ đạo của các cấp, Công an huyện Thanh Sơn làm rất quyết liệt để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép khoáng sản. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo, từng cán bộ liên quan. Xảy ra việc thuộc phần việc của ai người đó phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, do đặc thù địa hình miền núi nên chúng tôi cũng đang gặp nhiều khó khăn”, Trung tá Đỗ Trí Dũng cho biết.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Thanh Sơn còn có tình trạng ở một số địa phương chính quyền xã cho phép, thậm chí còn làm cả hợp đồng không đúng quy định cho các đối tượng khai thác tận thu làm vật liệu xây dựng xây một số công trình như đường nông thôn, từ đó lợi dụng để khai thác trái phép.
 
Tìm hiểu từ Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Phú Thọ (đơn vị chủ lực trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các vụ việc liên quan đến khai thác khoáng sản) thì hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn Phú Thọ thời gian qua nổi lên là hoạt động khai thác trái phép quặng sắt, quặng cao lanh, khai thác cát sỏi trên các tuyến sông. Thời gian qua, đơn vị này cũng đã phát hiện và bắt giữ hàng nghìn tấn quặng các loại, bán thanh lý tang vật sung công quỹ nhà nước nhiều tỷ đồng.
 
Đại tá Ngô Quý Thiệu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Phú Thọ thừa nhận những tồn tại liên quan đến hoạt động khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn. Đại tá Ngô Quý Thiệu giải thích nguyên nhân là do các đối tượng tổ chức khai thác ở những vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn nên việc quản lý và kiểm soát không dễ. Thêm nữa là những nơi các đối tượng này khai thác trái phép lại không phải là các điểm mỏ, có trữ lượng ít nên khó nắm bắt. Các điểm nóng nhất hiện nằm chủ yếu trên địa bàn các huyện: Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Ba...
 
Đặc thù địa hình miền núi thực tế là một khó khăn trong công tác quản lý khoáng sản, tuy nhiên cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan, việc kiểm soát các hoạt động khai thác trái phép khoáng sản liệu có vấn đề hay không là câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan quản lý tỉnh Phú Thọ?
 
 
Từ đầu năm 2014 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra 487 cơ sở khai thác khoáng sản, phát hiện và xử phạt 205 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng, bán tang vật vi phạm sung công quỹ là 2,4 tỷ đồng. Sở cũng đã thu hồi giấy phép của 5 doanh nghiệp vi phạm trong số 10 doanh nghiệp do Sở cấp phép.
Theo CAND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo