Phú Thọ: Cát tặc “núp bóng” nạo vét, duy tu luồng lạch
Nạo vét, duy tu luồng lạch hay khai thác cát trái phép?
Thời gian vừa qua, nhiều người dân xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bức xúc phản ánh tới Doanh nghiệp Việt Nam về việc Công ty CP Đầu tư Thương Mại Việt Sơn (chi nhánh Việt Trì) khai thác cát sai quy định, hoạt động suốt ngày đêm gây ảnh hưởng sụt lún đất nông nghiệp và cây cối, hoa màu của người dân.
Bác T., người dân địa phương cho hay: “Nghe nói có công ty Việt Sơn được phép khai thác cát ở đây để khơi thông luồng lạch, nhưng không hiểu vì sao lại hoạt động vào mùa mưa lũ (!?) Hơn chục chiếc tàu cuốc, bơm hút cát chạy suốt ngày đêm như thế thì bờ sông không sạt lở sao được”.
“Khu vực đất bãi này xã cho thuê 5 năm một lần, phần diện tích sạt lở tại đây, dân đã nhiều lần phản ánh tới xã nhưng không giải quyết được, chỉ tính trừ phần diện tích bị lở vào giá thuê đất”, bác T. cho biết thêm.
Một số người dân cũng cho biết, đa số các tàu này không có số hiệu và đặt ra nghi vấn về việc “cát tặc” núp bóng nạo vét, duy tu luồng lạch để khai thác cát. Bên cạnh đó, theo nguồn tin của PV, đơn vị được cấp phép đã cho nhiều tàu của doanh nghiệp khác vào khai thác cát, ăn chia lợi nhuận.
Được biết, đơn vị được Cục đường thủy nội địa cấp phép nạo vét, duy tu luồng lạch và tận thu khoáng sản tại đây là Công ty CP Đầu tư và Thương Mại Việt Sơn (chiều dài 500 mét trên địa bàn xã Vĩnh Lại). Đơn vị này giao cho Chi Nhánh Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn tại Việt Trì quản lý, thực hiện.
Theo ghi nhận của PV, hàng ngày tại khu vực trên thường xuyên có gần 20 chiếc tàu cuốc, tàu hút neo đậu và hoạt động suốt ngày đêm, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân ven bãi. Thêm vào đó, khu vực bãi hoa màu tại đoạn bờ sông cũng bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục nghìn m3 đất và cây cối của người dân bị cuốn xuống sông.
Các hộ dân ở đây cũng nhiều lần phản ánh lên chính quyền xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao nhưng không được giải quyết triệt để. Trái lại, lợi dụng vào giấy phép tận thu khoáng sản, lực lượng tàu thuyền hùng hậu không rõ lai lịch ngày càng hoạt động mạnh hơn, bất chấp mùa mưa lũ, có thể sụt lún mạnh hơn.
Lợi dụng “bùa hộ mệnh” để bán tài nguyên, chia lợi nhuận
Trao đổi với PV, ông Đào Ngọc Toản – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại thừa nhận, có tình trạng nhiều người dân phản ánh về tình trạng Công ty Việt Sơn hoạt động gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và sạt lở đất bãi, hoa màu.
Ông Toản cũng khẳng định, thời gian được phép hoạt động của công ty là từ 05h đến 17h, tuy nhiên có sự việc các tàu hoạt động suốt ngày đêm. UBND xã và huyện cũng đã nhiều lần có ý kiến nhắc nhở.
Đề cập tới nghi vấn Công ty Việt Sơn được cấp phép duy tu luồng lạch, tận thu khoáng sản nhưng lợi dụng giấy phép này bán lại cho các đơn vị khác vào khai thác để ăn chia lợi nhuận như người dân phản ánh, ông Toản cho biết không nắm được thông tin này. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại khẳng định, chỉ có 05 tàu đăng ký hoạt động tại đây, còn lại là tàu của các doanh nghiệp khác tự ý tới neo đậu nhưng…không hoạt động gì (?!)
Theo nguồn tin riêng của PV cho hay, việc khai thác cát tại đây là sai quy định và có dấu hiệu “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản núp bóng dự án, bởi nạo vét, duy tu luồng lạch được thực hiện vào mùa mưa lũ là hết sức vô lý. Hơn nữa đơn vị được cấp phép có dấu hiệu bán lại cho các tàu, doanh nghiệp khác vào khai thác để ăn chia lợi nhuận.
Nguồn tin cũng cho biết, địa lý tại khu vực này rất quan trọng, bởi đây là khu ngã ba sông. Nguồn cát đầu nguồn chảy từ sông Đà về rất đẹp và chất lượng tốt nên thực chất ở đây là khai thác cát chứ không có chuyện nạo vét, duy tu luồng lạch.
Như vậy, việc cấp phép cho Công ty Việt Sơn có đúng quy định, phù hợp với thực tế? Có hay không việc doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác sai quy định, bán cho các doanh nghiệp khác vào khai thác để ăn chia lợi nhuận; ai chịu trách nhiệm việc gây hậu quả sạt lở hoa màu, đất nông nghiệp của người dân?
PV đã liên hệ tới UBND huyện Lâm Thao và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xác minh, làm rõ các thông tin trên nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo