Phú Thọ: Gia tăng tiêu thụ hàng Việt
Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp (DN), đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã gia tăng đáng kể.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) tỉnh Phú Thọ, sau 5 năm triển khai CVĐ, công tác tuyên truyền đã được tỉnh đẩy mạnh thực hiện đến các cơ quan, tổ chức, DN và các tầng lớp nhân dân. Cụ thể, đã có trên 300 tin, bài tuyên truyền về CVĐ đã được triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tổ chức hơn 8.700 cuộc tuyên truyền, phổ biến về CVĐ, thu hút hơn 235 nghìn lượt người tham dự.
Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước đã có những giải pháp thiết thực triển khai thực hiện CVĐ như rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách hỗ trợ DN, tăng cường công tác quản lý thị trường, tổ chức hội chợ… Sau 5 năm triển khai, Sở Công Thương Phú Thọ đã tổ chức 91 hội chợ với trên 5.500 lượt DN trong và ngoài tỉnh tham gia, thu hút hơn 2,16 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt gần 300 tỷ đồng. Để bảo vệ DN và người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường cũng tiến hành kiểm tra và xử lý hơn 7.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 16,17 tỷ đồng.
Nhằm giúp hàng Việt hiện diện nhiều hơn ở các địa bàn còn khó khăn, 5 năm qua, Sở Công Thương Phú Thọ đã tổ chức 13 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp với 405 gian hàng, thu hút khoảng 64.900 lượt khách tới tham quan và mua sắm.
Doanh nghiệp vào cuộc
Một trong những cách làm hay, cần được nhân rộng của Phú Thọ là đã khuyến khích được DN trên địa bàn tích cực tham gia CVĐ bằng nhiều giải pháp, như: Đổi mới cách thức phân phối, ổn định giá bán sản phẩm, duy trì phương thức ứng trước, cho mua trả chậm với các mặt hàng… Để người dân mua được những sản phẩm hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao giúp trên 20.000 lượt nông dân mua phân bón trả chậm. Trong hoàn cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón còn nhiều bất cập do tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hoạt động này không chỉ giảm áp lực về giá mà còn giúp người nông dân được sử dụng hàng chính hãng, chất lượng tốt.
Hưởng ứng CVĐ, Công ty CP CMC (chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng) đã triển khai nhiều hoạt động như tìm kiếm các loạt hàng hóa, vật liệu, nguyên vật liệu được sản xuất trong nước để làm đầu vào cho sản xuất, từ đó thay thế dần các nguyên liệu nhập khẩu, giảm giá thành sản xuất. Nhờ đó, giá bán sản phẩm của công ty từ năm 2006 đến nay đã giảm 30 - 40%, tùy từng sản phẩm. Bên cạnh đó, do đầu tư mạnh dây chuyền sản xuất nên các sản phẩm của công ty ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng cao. Riêng với nhóm khách hàng khu vực vùng sâu, vùng xa, công ty có chính sách hỗ trợ cước vận tải…
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, các DN của tỉnh Phú Thọ còn ký cam kết sử dụng sản phẩm của nhau, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh và tăng cường sự kết nối. Nhờ các giải pháp này, đến nay, hàng Việt đã dần hiện diện nhiều hơn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị đã tăng nhiều so với trước đây. Tại các siêu thị, tỷ lệ hàng Việt đã chiếm từ 80% - 90%, khẳng định sức cạnh tranh cao và khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời khảo sát nhu cầu người tiêu dùng để đưa hàng Việt có chất lượng về các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ, khuyến khích DN nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, song song với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng…
Báo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo