Xã hội

Phương án nào xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực?

(DNVN) - Dự án xây dựng toà nhà số 8B Lê Trực của Công ty May Lê Trực sau khi UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình tiến hành cưỡng chế tháo dỡ đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các hộ gia đình lân cận do ảnh hưởng từ việc phá dỡ, cát đá rơi xuống nhà dân. Thêm vào đó, nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu đã được các chuyên gia cảnh báo; người dân và chủ đầu tư cũng "kêu cứu" về vấn đề an toàn và tuổi thọ công trình.

Xử lý thế nào để tránh hưởng tới người dân

Trước đó, vào ngày 4/3, UBND phường Điện Biên đã có thông báo gửi Công ty CP may Lê Trực (chủ đầu tư dự án 8B phố Lê Trực) về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong xây dựng tại dự án 8B Lê Trực.

Hiện dư luận cũng có nhiều quan điểm khác nhau về việc tiếp tục phá dỡ hay áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính, cho tồn tại công trình này.

Chị Hứa Thị Kim, trú tại tổ 12, Phường Điện Biên cho biết, từ ngày công trình này (số 8B Lê Trực) tiến hành phá dỡ, nhiều cát bụi, bê tông rơi xuống sân, mái nhà gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt. Chị Kim cũng lo sợ những “vật thể” kích cỡ lớn hơn rơi xuống, gây nguy hiểm cho mọi người trong gia đình.

Bê tông, gạch vụn "rải" đầy nhà dân xung quanh.

Mới đây, Công ty CP may Lê Trực đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội không phá dỡ phần sai phạm, đồng thời đề xuất một số phương án xử lý:

1. Xử lý theo quy định của pháp luật: Cụ thể là theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

2. Dừng việc phá dỡ phần công trình vi phạm, buộc chủ đầu tư bàn giao để Nhà nước, thành phố sử dụng vào mục đích công ích có lợi cho xã hội hoặc phục vụ công tác an ninh quốc phòng.

Chủ đầu tư cũng khẳng định: Dù áp dụng hình thức xử phạt nào thì phía chủ đầu tư sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và cam kết không tái phạm. 

Sáng 18/3 vừa qua, chánh thanh tra Bộ Xây dựng – Phạm Gia Yên cũng đã có buổi làm việc, lắng nghe ý kiến của người dân phản ánh về những bất cập khi cơ quan chức năng tiến hành phá dỡ toà nhà khi chưa được thẩm định phương án. Ông Yên cho biết: “Phá dỡ phải có phương án, phải do những người có trình độ chuyên môn lập, để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị phá dỡ phải có chuyên môn”.

 

Ông Yên cho biết thêm, sẽ chuyển những ý kiến phản ánh của người dân tới chính quyền TP Hà Nội để kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, nếu cần thì phải dừng lại.

Để doanh nghiệp sai phạm, cần xử lý nghiêm cán bộ

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23/3, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Tội” nặng nhất trong câu chuyện ở 8B Lê Trực thuộc về các cấp chính quyền, cán bộ trực tiếp liên quan đến cấp phép, quản lý xây dựng. “Xử lý cán bộ như vừa qua thì dư luận không hài lòng”.

Hiện tượng làm trái trong xây dựng khá phổ biến và ở nhiều mức độ khác nhau, nên xử lý không nghiêm sẽ thành tiền lệ xấu để cán bộ quản lý Nhà nước sau này lại tiếp tục vướng phải.

“Nhưng giờ đúng là khó thật ! Dư luận xã hội phải chia sẻ phần nào. Riêng tôi muốn nói tới vấn đề này:

 

Hiện tượng xây dựng trái phép có 2 vế, vế xây dựng, nhà đầu tư - kinh doanh và người dân tham gia mua căn hộ ở đó. Ai cũng muốn lợi nhất và họ phải trả giá cho việc làm sai. Nhưng tôi cho là việc trái phép mới quan trọng, thực chất là các cơ quan Nhà nước không thực hiện đúng quy định. 

Bởi nếu anh làm đúng, kiên quyết thì doanh nghiệp không ai làm sai cả. Cấp phép hoặc chưa cấp phép, phần nào cần phải chia sẻ với doanh nghiệp, mà hình như hiện nay tội vạ đổ hết lên đầu hết doanh nghiệp, còn xử lý cán bộ thì rất nhẹ, chỉ kiểm điểm, thuyên chuyển.

Ngổn ngang sắt thép, bê tông khi cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm tại số 8B Lê Trực.

Việc giải quyết hậu quả thì hầu như tổn hại vật chất đổ hết lên đầu doanh nghiệp xây dựng chứ không phải quan chức. Tôi cho rằng phải xử lý nặng hơn cơ quan quản lý nhà nước.

Giờ xử lý, đền bù cho người dân mua căn hộ ở đó thì Nhà nước phải ghé vai vào, quân mình làm sai thì phải giải quyết, đừng dồn hết lên vai doanh nghiệp.

Hơn nữa người dân đã đổ tiền vào đó để đầu tư. Thế thì mới công bằng, đảm bảo răn đe, chứ bộ máy cứ sai phạm thì kỷ luật, thuyên chuyển thì không ổn lắm.

 

“Bài toán xử lý câu chuyện ở 8B Lê Trực rất khó. Chia sẻ với những người bỏ tiền bạc ra để mua căn hộ, tôi cho rằng việc này phải quy trách nhiệm từ chính phía Nhà nước, phải gánh chịu những tổn hại vật chất, đền bù để đảm bảo cái răn đe”- ông Quốc nói.

Cần có biện pháp hợp tình, hợp lý, có sức răn đe

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, hiện nay ở Hà Nội, có rất nhiều nếu như không muốn nói là hầu hết các toà nhà văn phòng, chung cư xây dựng sai giấy phép, thậm chí một số công trình không có giấy phép đã tự ý khởi công rồi mới xin giấy phép.

Chuyên gia này nhấn mạnh, nếu các cơ quan chuyên trách không buông lỏng, thì không thể có tình trạng “bát nháo” trong xây dựng như hiện nay. Việc để các công trình lớn, vi phạm nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm một phần do cơ quan quản lý.

Chánh thanh tra Bộ Xây dựng trực tiếp lắng nghe ý kiến cư dân.

Đối với toà nhà 8B Lê Trực nói riêng và các toà nhà vi phạm trật tự xây dựng nói chung, có thể áp dụng biện pháp xử phạt theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP về một số quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng sai phép, không phép. Hành vi xây dựng sai phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.

 

“Theo tôi, nếu sử dụng phần công trình sai phép vào những mục đích có lợi cho cộng đồng cũng là điều đáng xem xét. Thậm chí có thể áp dụng biện pháp này để xung công phần sai phạm của các công trình sai phép khác để răn đe những chủ đầu tư cố tình vi phạm. Nếu bỏ tiền ra xây mà bị phạt, bị xung công…thì chủ đầu tư nào cũng không dám xây nữa”, chuyên gia này nhấn mạnh. 

Mạnh Hùng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo