Phút cuối bầu Kiên vẫn nghĩ mình vô tội
Sáng 2.6, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử "Bầu" Kiên cùng đồng phạm. Trước khi nghị án, HĐXX đã cho các bị cáo nói lời cuối cùng.
"Bầu" Kiên tin tưởng mình vô tội
Trong tuần trước, sau những phần tranh luận và đối đáp căng thẳng, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm kết tội bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với tổng mức án là 30 năm tù.
Nói lời sau cùng tại toà, bị cáo Nguyễn Đức Kiên gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã giúp đỡ gia đình trong suốt 21 tháng qua và tin rằng những người bạn mà trong thời gian đó chưa dám giúp đỡ gia đình ông vì sợ liên lụy, giờ có thể hiểu và quay lại.
Ông Kiên bày tỏ sự lo lắng cho vợ mình – người chưa bao giờ phải lo chuyện kinh doanh, nay phải đứng mũi chịu sào. Ông Kiên cũng gửi lời xin lỗi đến cổ động viên của đội bóng của mình, mong vợ mình vẫn duy trì đội bóng để một ngày nào đó ông quay trở lại.
Bầu Kiên nghẹn ngào nói: "Tôi mong bạn bè tiếp tục đi và làm những gì chúng tôi đã dự định, để trước khi nhắm mắt xuôi tay có thể thấy đội tuyển Việt Nam tham dự World Cup. Đó là hoài bão của chúng tôi. Tôi tin rằng bạn bè tôi không kiện tôi.
Tôi xin lỗi VietBank vì gia đình tôi buộc phải bán cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu tiền mặt khi đó. Tôi tin một ngày nào đó, gia đình tôi sẽ quay lại VietBank.
Tôi muốn nói với mẹ tôi, tôi không cho các em tôi kinh doanh và nắm các vị trí quan trọng ở Ngân hàng vì cho rằng các em chưa đủ trình độ, và hơn hết tôi nhìn thấy rủi ro trong tương lai nên không muốn các em và vợ tôi phải gánh. Tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm về những việc mình làm.
Tôi đã nói chuyện với con trai tôi, mong con là người tốt, không làm kinh doanh và tôi mong con trai tôi là người đàn ông thay tôi chăm sóc vợ tôi. Tôi không trốn chạy trách nhiệm vì tin đất nước này có kỷ cương có phép tắc. Mặc dù visa của tôi dài hạn, tôi có quan hệ khắp nơi nhưng tôi không chạy trốn”.
Ông Kiên nói với vợ: "Không bao giờ được chạy án, không bao giờ xin xỏ bất kỳ ai phụ trách vụ án này vì có thể tự đẩy mình vào phạm pháp. Tôi có thể tự giải quyết và tin rằng mình đủ khả năng, đủ tư duy để chứng minh mình vô tội. Tôi không tham gia bất kỳ hoạt động nào của thường trực HĐQT ACB và CQĐT biết rõ thái độ của tôi như thế nào ngay khi bị bắt.
Ông Kiên kể lại quá trình “ra trường đời” kinh doanh của mình từ những năm 90, những kẽ hở của luật pháp khi mới hình thành các thị trường, ví dụ thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng. Theo đó, ông Kiên “hiến kế” cho Chính phủ các giải pháp để tái cơ cấu hệ thống kinh tế.
“Việc tái cơ cấu các ngân hàng TMCP không phải là cộng số học các ngân hàng yếu với nhau mà là phải dùng phương pháp lấy ngân hàng mạnh kèm ngân hàng yếu" - ông Kiên nói. Ông cũng mong Nhà nước đừng để Ngân hàng nước ngoài chi phối làm mất đi trái tim của nền kinh tế.
"Về 4 tội danh bị truy tố, tôi không nói nhiều về 3 tội danh khác. Riêng tội lừa đảo, tôi, anh Thanh, chị Yến không lừa đảo chiếm đoạt tiền của ai. Sai sót dẫn đến tài sản của công ty bị chiếm đoạt là thuộc về Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát. Nó nằm hoàn toàn trong ý thức của giám đốc công ty này. Đó là sai lầm nghiêm trọng CQĐT".
Ông Kiên cũng kể đích danh những người mà ông cho rằng đã làm sai phạm hồ sơ vụ án. Ông yêu cầu khiếu nại của miình cần được sự trả lời chính thức. "Tôi không kinh doanh trái phép, cố ý làm trái, trốn thuế. Còn tôi không phạm tội như thế nào, các luật sư đã nêu bằng chứng, lý lẽ cụ thể. Tôi kính đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hành động thiết thực để bảo vệ hệ thống doanh nhân Việt Nam – những người đang lao động hết mình vì đất nước. Kính gửi ông Nguyễn Sinh Hùng, vụ án của tôi liên quan đến một số thẩm quyền của Quốc hội, tôi mong ông quan tâm xem xét và có trả lời.
Tôi tin tưởng 90 triệu người dân Việt Nam, tôi tin tưởng đất nước này, tôi yêu đất nước này. Tôi mong những người dân đều góp sức xây dựng đất nước”.
"Bầu" Kiên khi nói lời sau cùng vẫn khẳng định mình vô tội và cho rằng việc ông vô tội thế nào đã được thể hiện qua các phiên xét xử.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh: Những ngày bị tạm giam là chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục
Nói lời cuối tại toà, bị cáo Trần Ngọc Thanh chia sẻ: "Hơn 600 ngày tôi bị tạm giam, thực sự là chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục. 17 tuổi nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, tôi bước chân vào quân ngũ cùng nhân dân cả nước giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cuộc đời làm việc của tôi cũng chưa từng vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Điều đau khổ nhất là chuẩn bị cầm quyết định nghỉ hưu lại bị bắt giam.
Suốt trong thời gian ở trong trại, tôi suy nghĩ mãi mà không biết vì sao mình phải ở đây. Ban đầu chưa nhận thức được mình sai, bản hợp đồng cuối cùng, tôi đã thấy cái sai của mình. Suốt quá trình điều tra, tôi luôn thành khẩn khai báo và hợp tác. Tuy nhiên trong quá trình điều tra và quá trình tố tụng, hầu hết đều coi trọng chứng cứ, luận cứ buộc tội tôi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn những chứng cứ gỡ tội bị làm ngơ".
Hôm nay đứng trước phiên tòa, tôi xin khẳng định mình không phạm tội. Tôi chỉ có hành vi sơ suất trong việc ký hợp đồng. Khi ký hợp đồng này, tôi không biết số cổ phiếu đó đã được giải chấp. Chính vì lẽ đó, tôi mong HĐXX công tâm, công bằng xem xét rõ hành vi phạm tội của tôi. Tôi không lừa đảo chiếm đoạt, tôi không giúp sức ai phạm tội".
Còn bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến nói: "Một người bước chân vào tù mang theo hệ lụy với bao nhiêu người trong gia đình. Khi tôi bước vào trại tạm giam, bố tôi đang bị bệnh không biết có chịu nổi cú sốc này không".
Bị cáo cho rằng, mình chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ban lãnh đạo, để rồi hôm nay đứng trước vành móng ngựa - đó là sự cay đắng nhất trong cuộc đời.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo