PVN phải nhanh chóng xử lý 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Theo tin từ Bộ Công Thương, chiều 7/7, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về xử lý vướng mắc tại một số các dự án thua lỗ nghìn tỷ tại tập đoàn này mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhắc nhở tại phiên họp mới đây.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện có 5 dự án thua lỗ cần xử lý gồm: Nhà máy Nhiên liệu sinh học (NLSH) Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy sản xuất NLSH Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex).
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã triển khai phân công nhiệm vụ cụ thể xử lý đối với từng dự án. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế tài chính nên chưa được triển khai hiệu quả.
Cụ thể, ông Sơn nêu 3 vướng mắc lớn nhất trong xử lý số dự án này. Theo đó, vướng mắc lớn nhất khi khắc phục khó khăn của các dự án thua lỗ thuộc tập đoàn là thiếu tiền, khi dòng tiền và chi phí cho số dự án đều không còn.
"Mọi hoạt động đều cần tiền, nhưng theo chủ trương chúng tôi không được rót thêm vốn Nhà nước nên gặp nhiều khó khăn trong việc khởi động lại dự án", ông Sơn nói.
Ngoài ra, các đơn vị cũng gặp khó trong quyết toán hợp đồng EPC với nhà thầu nước ngoài, bên ngoài tập đoàn nên quá trình xử lý không phụ thuộc vào đơn vị mà do yếu tố khách quan.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, việc khởi động lại các dự án theo kế hoạch như PVTex, các nhà máy nhiên liệu sinh học, thậm chí là cho phá sản một trong số dự án kém nhất thì cũng cần chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ điện nước cho dự án... trong thời gian 18 tháng đến 2 năm. Đơn cử, các chi phí duy trì PVTex trong lúc chờ phá sản cũng tốn hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ chỉ đạo triển khai quyết liệt xử lý các dự án thua lỗ trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý để năm 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn và năm 2020 xử lý xong.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc Nhà nước không đổ thêm vốn nhưng không có nghĩa là không thể xử lý được. Vì thế, ngoài trông chờ vào vốn Nhà nước rót thêm, thì PVN cần chủ động tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Theo ông Vượng, với điều kiện cho phép thì cổ đông có thể bỏ vốn xử lý khó khăn, còn nếu như cổ đông không được bỏ vốn thì chấp nhận phương án đàm phán hoặc phá sản ngay từ đầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Bất động sản, hàng không, bán lẻ được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững