Quá nhiều các giấy phép "con, cháu, chắt" đang làm khổ doanh nghiệp
Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật doanh nghiệp mở ra trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì lại bó lại.
“Chúng ta đều biết nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận và cụ thể hóa trong các quy định của Luật doanh nghiệp từ năm 2005. Với tính chất là luật gốc, là cơ sở pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam, chúng ta kỳ vọng đây sẽ là tiền đề cho một hệ thống pháp luật về doanh nghiệp thực sự tự do. Tuy nhiên quá trình thi hành luật gần 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác. Với quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành, quá nhiều các thủ tục và giấy phép con, cháu, chắt quy định trong các văn bản hướng dẫn và triển khai ở cấp, nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật doanh nghiệp đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần. Nay với quy định trong dự luật rằng luật chuyên ngành quy định khác với Luật doanh nghiệp về tổ chức và quản lý cũng như giải thể doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành”, ông Lộc nhận định.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về doanh nghiệp sẽ không giảm bớt thậm chí còn có nguy cơ gia tăng.
“Chúng ta quy định nguyên tắc chung trong Luật doanh nghiệp, nhưng lại không có cơ chế kiểm soát các quy định riêng ngoại lệ được quy định trong luật chuyên ngành thật đáng lo ngại. Vì suy cho cùng ngành nào cũng có thể là chuyên ngành và đều có thể có luật riêng với các lý do khác nhau. Vẫn biết rằng pháp luật về kinh doanh chuyên ngành quy định về các điều kiện đối với hoạt động của doanh nghiệp là để bảo đảm các mục tiêu công cộng, là công việc bình thường hợp lý nhưng nếu luật chuyên ngành lại quy định riêng cả về cơ cấu, tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng hạn chế hơn so với Luật doanh nghiệp trong khi các quy định riêng này hầu như không liên quan gì đến đặc thù kinh doanh thì rõ ràng là không hợp lý. Cho nên tôi đề nghị khẳng định dứt khoát về cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp thì Luật doanh nghiệp phải được ưu tiên áp dụng so với các pháp luật chuyên ngành.
Phải chế định khoa học công tác hậu kiểm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị lạm dụng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu từ quyền tự do ra nhập thị trường tức là thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, tôi rất ủng hộ hướng đơn giản hóa thành lập doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp sửa đổi. Tuy nhiên, quyền tự do kinh doanh cũng bao hàm trong nó giới hạn không làm phương hại tới xã hội hay lợi ích của người khác. Vì vậy, để quyền tự do kinh doanh không bị lạm dụng Luật doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý tới các quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp ít nhất là trong các lĩnh vực chung thuộc phạm vi của luật này. Để bảo đảm rằng các doanh nghiệp đã đăng ký để hoạt động kinh doanh, không phải là doanh nghiệp ma lập ra để mua bán hóa đơn để lừa đảo. Phát hiện doanh nghiệp ma ngay từ thời điểm họ có ý định trong đầu có lẽ là điều không thể, nhưng sau một thời gian thì chắc chắn là có thể nếu chúng ta làm tốt các thủ tục hậu kiểm”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cho rằng, báo cáo hoạt động và tài chính của doanh nghiệp là một thủ tục hậu kiểm cần thiết, không thể để tình trạng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp không biết và xã hội không có được những thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp đã đăng ký còn hay mất và đang hoạt động ra sao, lỗi này nằm ở khâu hậu kiểm, cụ thể là hậu kiểm thiếu khoa học, thiếu chuyên nghiệp. Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định về nghĩa vụ báo cáo hàng năm của doanh nghiệp nhưng không có hiệu quả bởi việc báo cáo rất nhiêu khê và doanh nghiệp ngại thực hiện, cũng không có chế tài, kết quả là nhà nước không nắm được tình hình doanh nghiệp. Để mỗi khi có yêu cầu, các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ chuyên ngành, mỗi cơ quan lại đưa ra những con số khác nhau về tình hình doanh nghiệp. Do đó, cần phải tính đến biện pháp hậu kiểm và công tác thông tin báo cáo có hiệu quả hơn.
Ví dụ, hiện nay các doanh nghiệp hoạt động đều phải nộp thuế, có báo cáo tài chính, do đó cơ quan quản lý phải đăng ký kinh doanh hoàn toàn có thể dựa trên các thông tin về thuế, về báo cáo tài chính của doanh nghiệp từ cơ quan thuế. Để biết được doanh nghiệp có thực sự hoạt động không, vốn liếng đến đâu và có thể cập nhật ngay các thông tin đó theo nội dung đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin cơ sở quốc gia về giữ liệu về doanh nghiệp để các cơ quan nhà nước khác biết, để xã hội biết và để đối tác biết.
Việc hậu kiểm như thế này vừa đơn giản, bởi vì chỉ là sự truyền tải thông tin giữa các cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, vừa giảm bớt thủ tục đối với doanh nghiệp bởi doanh nghiệp chỉ phải báo cáo với cơ quan thuế là đủ. Vì vậy, tôi đề xuất cần quy định rõ các nội dung hậu kiểm trong dự luật để bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả. Lâu nay chúng ta có tình trạng khu biệt về thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý là rất hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin yếu nên doanh nghiệp phải báo cáo đi, báo cáo lại từng cơ quan về những thông tin mà lẽ ra chỉ cần báo cáo một lần là đủ với một cơ quan là đủ, các cơ quan nhà nước có thể dùng chung.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá cao việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp, bởi qua nhiều năm qua việc ghi ngành nghề, mục tiêu quản lý của nhà nước theo ngành nghề đã không đạt được, nhiều doanh nghiệp để tiện cho mình đã đăng ký khống cả chục trang giấy về tất cả các ngành nghề trong bản thống kê kinh tế quốc dân. Cơ quan nhà nước lúng túng trong việc áp mã của ngành nghề khiến các doanh nghiệp cũng vất vả, hai bên cùng khổ. Nguyên tắc doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực nhà nước không cấm theo Hiến pháp trên thực tế đã trở thành nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong những lĩnh vực quy định trong giấy phép. Cũng để phục vụ trong việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh tôi nhất trí với việc quy định công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa bởi nó giúp doanh nghiệp không phải tự tìm khắp nơi trong cả một rừng pháp luật hiện nay để biết được về những lĩnh vực họ không được kinh doanh hay họ kinh doanh với những điều kiện nhất định.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, để danh mục này đạt hiệu quả trông đợi thì cần phải quy định ngay tại dự luật 2 việc: Một là danh mục phải được cập nhật thường xuyên để có thể đưa vào danh mục tất cả các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo các thay đổi pháp luật chuyên ngành ở các cấp, luật, pháp lệnh, nghị định. Để thực hiện yêu cầu này tôi đề nghị danh mục này không nên là một văn bản cấp Chính phủ. Vì văn bản cấp Chính phủ có thể thay đổi liên tục được, mà chỉ nên giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai, cập nhật thường xuyên.
Hai là dự luật cần quy định về hiệu lực của danh mục này, theo đó doanh nghiệp không có nghĩa vụ thực hiện các điều kiện kinh doanh không có trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ như vậy thì danh mục này mới thực sự giúp ích cho doanh nghiệp. Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm mới thực sự trở thành hiện thực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo